Chính sách tuyển sinh

Ổn định phương án xét tuyển, hơn 13.300 chỉ tiêu, nhiều học bổng và cơ hội tuyển thẳng

Ngày đăng: Thứ năm, ngày 17 tháng 1 năm 2019, lần xem: 705

Là ĐH Vùng trọng điểm Quốc gia, đa lĩnh vực, đa ngành đào tạo, năm 2019, Đại học (ĐH) Đà Nẵng có 10 cơ sở giáo dục ĐH thành viên, đơn vị trực thuộc tuyển sinh hệ ĐH chính quy gồm: 05 trường ĐH thành viên (Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật), 05 đơn vị trực thuộc có đào tạo ĐH (Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (VN-UK), Khoa Y Dược, Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Khoa Giáo dục Thể chất, Phân hiệu ĐHĐN tại Kontum). Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin và một số đơn vị tuyển sinh hệ CĐ chính quy đem lại nhiều sự lựa chọn cho thí sinh.

 

Nhiều công trình trọng điểm (Tòa nhà thông minh tại Trường ĐH Bách khoa bên trái, Ký túc xá sinh viên quốc tế tại Trường ĐH Kinh tế bên phải…) với trang thiết bị đồng bộ, hiện đại tiếp tục đưa vào sử dụng, phục vụ giảng viên, sinh viên giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học

   

Về phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh năm nay có những điểm đáng chú ý sau: Năm 2019, ĐH Đà Nẵng tiếp tục giữ ổn định phương án xét tuyển như năm 2018, tức là chủ yếu sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia để xét tuyển hệ ĐH chính quy vào các trường, đơn vị thành viên của ĐHĐN nhằm giữ sự ổn định, tránh gây sốc, tạo sự yên tâm cho phụ huynh, thầy cô và học sinh trong dạy và học. Ngoài ra còn xét tuyển bằng học bạ vào một số ngành, một số đơn vị, đồng thời có sự mở rộng diện xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển. ĐH Đà Nẵng tiếp tục giữ ổn định chỉ tiêu, nâng cao chất lượng đào tạo và phục vụ sinh viên. Tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH chính quy trong toàn ĐH Đà Nẵng năm nay dự kiến 13.300 chỉ tiêu, ngoài ra còn dự kiến tuyển 200 chỉ tiêu hệ cao đẳng ngành công nghệ thông tin.

 

Về mở rộng diện xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển: Năm nay, ngoài việc thực hiện xét tuyển thẳng cho học sinh giỏi (HSG) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ĐH Đà Nẵng mở rộng diện xét tuyển thẳng như sau:

 

Trường ĐH Kinh tế xét tuyển thẳng thí sinh đạt giải nhất, nhì HSG cấp tỉnh, thành phố (trực thuộc Trung ương) bậc THPT vào các khối ngành khác nhau tùy thuộc vào môn đạt giải; xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh IELST quốc tế từ 5,5 trở lên và có tổng điểm 02 môn thi THPT Quốc gia thuộc tổ hợp xét tuyển (trừ môn ngoại ngữ) đạt từ 12 điểm trở lên (trong đó có môn Toán). Chỉ tiêu xét tuyển thẳng mỗi ngành lấy bằng 20% chỉ tiêu ngành. Trường hợp số lượng đăng ký nhiều hơn chỉ tiêu thì ưu tiên điểm tiếng Anh trước, sau đó đến điểm môn Toán.


 

 Chỉ trong năm 2018 đã có thêm 07 chương trình đào tạo kiểm định đạt chuẩn quốc tế (AUN-QA)

 

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật xét tuyển thẳng các ngành (ngoài ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp) đối với các học sinh đạt danh hiệu HSG lớp 12 hoặc đạt giải nhất, nhì, ba HSG lớp 12 cấp tỉnh/thành phố các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ Văn, Tin học. Xét tuyển thẳng vào ngành Sư phạm Kỹ thuật Công nghiệp đối với các học sinh 03 năm liền đạt danh hiệu HSG hoặc đạt giải nhất, nhì, ba HSG lớp 12 cấp tỉnh/thành phố các môn: Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngữ Văn, Tin học. Đối với đối tượng xét tuyển thẳng theo diện HSG thì tổng điểm 02 môn (trong các môn thuộc tổ hợp xét tuyển) tối thiểu cần đạt từ 15 điểm trở lên.

 

Viện VN-UK xét tuyển thẳng thí sinh có chứng chỉ quốc tế A-Level của Trung tâm Khảo thí ĐH Cambridge, có kết quả 03 môn (phù hợp với ngành đào tạo trong đó có môn Toán hoặc môn Ngữ văn) đạt điểm tối thiểu mỗi môn từ 60/100 trở lên hoặc đối với thí sinh có kết quả thi SAT (Scholastic Assessment Test, Hoa Kỳ) đạt điểm từ 1.100/1.600 hoặc 1.450/2.400 trở lên (còn giá trị trong 02 năm kể từ ngày dự thi).

 

Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông xét tuyển thẳng thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba HSG cấp tỉnh/thành phố và đạt giải trong các cuộc thi Hội khỏe Phù Đổng hoặc các cuộc thi nghệ thuật cấp tỉnh/thành phố.

 

Trường Đại học Bách khoa lần đầu xét tuyển theo học bạ (50% chỉ tiêu) đối với các chương trình tiên tiến, chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt-Pháp, chương trình chất lượng cao các ngành Kỹ thuật Nhiệt, Kỹ thuật Xây dựng Công trình giao thông, Kỹ thuật Xây dựng Công trình thủy, trong đó ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khi xét học bạ là tổng điểm 03 môn đạt 21 điểm, đối với chương trình tiên tiến phải có điểm IELTS từ 5,5 trở lên hoặc điểm học tập môn tiếng Anh ở THPT từ 7 trở lên.

 

Về ngành nghề đào tạo và tổ chức đào tạo:  Nhằm đáp ứng yêu cầu nhân lực cho xã hội và thị trường lao động trong nước, quốc tế trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành đào tạo dự kiến sẽ được mở thêm như: Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, Kỹ thuật cơ sở hạ tầng (Trường ĐH Bách khoa), Sư phạm Khoa học tự nhiên, Sư phạm Lịch sử-Địa lý, Sư phạm Công nghệ, Giáo dục Công dân, Tin học và Công nghệ Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm), Khoa học dữ liệu (Viện VN-UK)...

 


Chất lượng sinh viên tốt nghiệp và là yếu tố quan trọng

mà ĐH Đà Nẵng luôn được các thí sinh, phụ huynh tin tưởng, lựa chọn

 

Về chính sách ưu đãi sinh viên của các trường thành viên: Trường ĐH Kinh tế sẽ cấp học bổng 100% học phí theo ngành đào tạo, được hỗ trợ sinh hoạt phí 10.000.000đ/năm đầu tiên đối với thí sinh được tuyển thẳng đạt giải HSG Quốc gia, quốc tế  hoặc đạt điểm thi THPT Quốc gia từ 26,5 trở lên và cấp học bổng 20% cho thí sinh được tuyển thẳng đạt giải HSG cấp tỉnh/thành phố. Trường ĐH Bách khoa sẽ miễn 100% học phí học kỳ đầu tiên (từ học kỳ tiếp theo xét theo kết quả học tập) cho những thí sinh đạt điểm thi 26 trở lên (không quá 5% tổng số sinh viên/chương trình).

 

ĐH Đà Nẵng luôn coi trọng không ngừng nâng cao uy tín, chất lượng chuẩn quốc tế là yếu tố “sống còn”, là cam kết, trách nhiệm xã hội với cộng đồng. Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc ĐH Đà Nẵng, việc Bộ giao các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khi xét tuyển là phù hợp vì qua đó các trường thấy được vị trí của mình thông qua điểm sàn. Những trường, ngành đào tạo tốt sẽ có nhiều thí sinh đăng ký nhờ đó sẽ thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh để nâng cao chất lượng.

 

Năm nay, ĐH Đà Nẵng tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ chiến lược và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó có chất lượng nguồn tuyển sinh như: Tăng cường khảo sát, dự báo nhu cầu thị trường lao động và gắn kết với doanh nghiệp để đào tạo có “địa chỉ đầu ra”, “đào tạo gắn với việc làm”. Đẩy mạnh hoạt động đảm bảo chất lượng và kiểm định chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế (riêng năm 2018 đã có 07 chương trình kiểm định được công nhận đạt chuẩn quốc tế AUN-QA). Các trường thành viên luôn cập nhật, đổi mới chương trình, áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến như các ĐH hàng đầu thế giới: Học qua dự án, CDIO (“ý tưởng-thiết kế-triển khai-vận hành”, phối hợp với ĐH Singapore Polytechnich), triển khai các chương trình công nghệ thông tin, du lịch… tăng thời lượng thực hành, thực tập (ít nhất 50% thời gian tại doanh nghiệp được cán bộ doanh nghiệp hướng dẫn)… Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên (hiện ĐH Đà Nẵng có hơn 32% giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên, riêng Trường ĐH Bách khoa đạt gần 50%). Tiếp tục đầu tư, đưa vào sử dụng nhiều công trình mới với cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học.

 

Xem thêm tin trên Báo Dân trí tại đây.

 

Tin Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN