Cơ hội việc làm, khởi nghiệp

Những câu chuyện khởi nghiệp của sinh viên Đại học Đà Nẵng: Không phải là con đường trải hoa hồng (phần 1)

Ngày đăng: Thứ sáu, ngày 15 tháng 2 năm 2019, lần xem: 446

Tinh thần khởi nghiệp là giá trị mà sinh viên có thể tích lũy hun đúc ngay từ khi còn ở giảng đường. Khởi nghiệp không phải là con đường trải đầy hoa hồng mà đòi hỏi bản lĩnh, sáng tạo, niềm say mê và nghị lực vượt khó khăn thử thách. Bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 và các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia như CPTPP sẽ đem lại nhiều cơ hội và thách thức với những công dân toàn cầu. Trung tâm Thông tin và Truyền thông Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) giới thiệu loạt bài trên Báo Đà Nẵng về những câu chuyện khởi nghiệp của các bạn sinh viên/cựu sinh viên ĐHĐN vừa tốt nghiệp truyền cảm hứng về một thế hệ mới năng động, biết nghĩ, dám làm - không chỉ tìm được việc làm cho mình mà còn biết tự tạo việc làm cho xã hội.

 

 

Nguyễn Văn Minh Đức sinh năm 1991, trở thành Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Hekate sau khi tốt nghiệp Khoa Tin học, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm - ĐHĐN được 2 năm 6 tháng. Thời sinh viên, Đức cùng 2 người bạn là Phạm Quốc Huy và Dương Văn Phước Thiện thường tích cực tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học. Thích mày mò, sáng tạo, cũng có máu kinh doanh nhưng lúc ấy Đức chưa dám nghĩ đến khởi nghiệp bởi thiếu tiền, thời gian cũng như kinh nghiệm. Sau khi ra trường, 3 chàng trai được các công ty khác nhau tuyển dụng nhưng vẫn giữ mối quan hệ thân thiết. Một ngày nọ, trong lúc đang ngồi “tám” chuyện qua Skype, cả 3 bỗng nảy ra ý tưởng làm một chú trợ lý ảo (chatbot - công cụ trò chuyện tự động trên nền tảng tin nhắn của Facebook, Skype, Zalo...) vui vui để “nhúng” vào cuộc trò chuyện cho thêm phần... thú vị.

Nguyễn Văn Minh Đức - Phạm Quốc Huy và Dương Văn Phước Thiện Ba chàng trai khởi nghiệp với công nghệ chabot

 

Với tên gọi Sumi, chú "bot" này thi thoảng lại chen vào những dòng tin nhắn của 3 chàng trai để nói vài ba câu “ba láp ba xàm”, đủ để gây cười. Thấy hay hay, Đức đem Sumi “nhúng” tiếp vào một số group chat cộng đồng khác mà cậu bạn tham gia chỉ với mục đích giúp mọi người có những tràng cười sảng khoái. Không ngờ, đó lại chính là cột mốc khiến sự nghiệp của Đức, Huy và Thiện thay đổi. Sumi bỗng được “hâm mộ”, số tin nhắn trò chuyện trực tiếp với chú "bot" này lên đến 1,3 - 1,4 triệu tin mỗi ngày. Đức nói: “Quá bất ngờ, nhưng chuyện đó cũng khiến bọn mình nghiêm túc nghĩ đến việc phát triển Sumi để làm thành một dự án khởi nghiệp - điều mà mình đã từng nghĩ khi còn sinh viên nhưng chưa dám thực hiện”. Đức bỏ ra 6 tháng ròng rã, ban ngày làm việc công ty, đêm về phát triển chatbot. Huy và Thiện cũng giúp sức, mỗi người mỗi việc, người lập trình, người nghiên cứu sản phẩm, người tìm hiểu thị trường. Đến khi có nhà đầu tư thiên thần rót vốn, Đức quyết định nghỉ việc ở công ty, toàn tâm toàn ý cho dự án. Ít lâu sau, Huy và Thiện cũng “theo chân” Đức, Công ty Công phần Công nghệ Hekate ra đời…

 

“Chatbot” hay “trợ lý ảo” hay “Hệ thống trả lời tự động” là những thuật ngữ mô tả cùng một nhóm công nghệ về trí tuệ nhân tạo cho phép máy tính giao tiếp với con người. Chatbot đem lại nhiều lợi ích thiết thực, cũng như ứng dụng vào mọi lĩnh vực vì thế việc ứng dụng chatbot trở thành xu hướng trên toàn thế giới từ các công ty dịch vụ, thương mại điện tử đến các chính quyền như Singapore, Mỹ…

 

Cuối năm 2017, Hekate liên tục được “nhắc tên” trên báo chí vì đã phát triển thành công ứng dụng chatbot Danang Fantasticity, được chính quyền thành phố quyết định triển khai trong lĩnh vực du lịch. Dự án khởi nghiệp này đã giúp Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng chatbot cho dịch vụ công, gây ấn tượng với rất nhiều quan khách khi đến thành phố tham dự các sự kiện của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

 

Dự án khởi nghiệp chatbot Danang Fantasticity trong lĩnh vực du lịch đưa Đà Nẵng trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước sử dụng chatbot cho dịch vụ công, gây ấn tượng với rất nhiều quan khách trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

 

Sumi có tiền của nhà đầu tư, có đội ngũ nhân sự “máu lửa”, nhưng không có nghĩa là đường phát triển bằng phẳng. Khởi nghiệp từ một chú chatbot vui nhộn, Đức phát triển dần thành một doanh nghiệp chuyên cung cấp công cụ tạo chatbot cho các doanh nghiệp khác. Mạng lưới khách hàng của Đức có cả những “ông lớn” như Lotte, Trung Nguyên, Timo Bank… “Nhưng rồi chính những việc đó đã làm mình dần đi xa mục tiêu khởi nghiệp ban đầu của mình. Những dự án đó có thể làm trong ngắn hạn, nhưng không phải là mục tiêu dài hạn mà bọn mình hướng tới. Làm sao ra được sản phẩm là một chuyện, nhưng sản phẩm đó có đem lại đủ lợi nhuận hay không, có phù hợp với đam mê và khát vọng của mình hay không lại là một chuyện khác”, Đức nói.

 

Hiện Hekate đã quay lại với định hướng ban đầu là tập trung phát triển Sumi thành một trợ lý ảo cho giới trẻ. Sumi vẫn được “hâm mộ”, với khoảng 225.000 lượt người dùng mỗi tháng, tốc độ tăng trưởng đạt 30%/tháng. Đức cho biết, sau khi mở rộng ra thị trường cả nước, Sumi sẽ “tiến quân” sang Malaysia, Indonesia và Singapore, từ đó “đánh” ra toàn khu vực Đông Nam Á.

 

Sau 2 năm lăn xả với Hekate, Đức tự rút ra cho mình một bài học: “Phải vạch ra đích đến, đường đi, từng chặng từng chặng một phù hợp với nguồn lực. Người khởi nghiệp phải kiên định với con đường ấy, đừng sợ nếu có lúc cảm thấy đi lệch hướng, hoặc đi đúng hướng mà mãi không... ra tiền. Nếu sai thì phải chấp nhận, liên tục “cập nhật” bản thân và công ty. Nhưng cái kiên định đó không đồng nghĩa với bảo thủ, mù quáng. Phải lắng nghe thị trường. Nếu sản phẩm mình tạo ra chính là cái mình muốn, nhưng thị trường không muốn thì phải nghĩ hướng khác…”

 

Con đường khởi nghiệp không trải hoa hồng, nhưng nếu đã quyết tâm đi thì càng đi, ta sẽ càng nhận được nhiều đoá hồng - kết tinh từ sự nỗ lực của chính mình.

 

Theo Báo Đà Nẵng