Gương mặt sinh viên

Theo đuổi ngành công nghệ thông tin để làm cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn

Ngày đăng: Thứ sáu, ngày 15 tháng 2 năm 2019, lần xem: 389

Đó là chia sẻ của bạn Nguyễn Minh Hiếu, sinh viên lớp 18IT1, khoa Công nghệ thông tin - Truyền thông, Đại học Đà Nẵng) - 1 trong 10 chân dung Thủ khoa mùa tuyển sinh 2018, vinh dự đón nhận những phần thưởng từ TS Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố và PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng.

 

TS Đặng Việt Dũng - Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng và PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, khen thưởng thành tích thủ khoa Nguyễn Minh Hiếu.


Hiếu sinh ra và lớn lên ở vùng đất Ninh Thuận khô cằn và đầy gió, nhưng “người dân quê con rất chất phác, và mặn mà tình cảm”. Gia đình Hiếu có 4 người, sống nhờ vào quán nước giải khát nhỏ của Mẹ và những cuốc xe ôm của Cha. Cơ cực như thế nhưng hai bậc thân sinh đều nuôi 2 con ăn học nên người, “anh hai” của Hiếu cũng đang là sinh viên…

Khi anh Nguyễn Đức Tiến – Trưởng ban công tác học sinh sinh viên Đại học Đà Nẵng – chuyển cho chúng tôi danh sách những thủ khoa được vinh danh tại chương trình diễn ra tối 19/9/2018; xem đi xem lại, cuối cùng chúng tôi chọn cái tên Nguyễn Minh Hiếu. Điều mong đợi nhất của những lúc viết bài về gương vượt khó hiếu học, không gì hơn…Nhân vật có nhiều chất liệu để viết, để phác họa một chân dung tiêu biểu.

Chúng tôi đã lựa chọn đúng và cũng có khi còn gặp may mắn nữa.
  
Trong câu chuyện cùng chúng tôi, Minh Hiếu ít nói về mình. Những gì trân trọng và thiêng liêng nhất, cậu học sinh vừa chia tay ngôi trường THPT Trường Chinh; Thị trấn Tân Sơn, Huyện Ninh Sơn, Tỉnh Ninh Thuận, để đến với Đà Nẵng, cùng quyết tâm “theo đuổi ngành công nghệ thông tin và làm cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn …” , đều dành cho Ba Mẹ.
 
“Ba mẹ không nói, cũng không thể hiện ra bên ngoài để anh em chúng con cảm nhận được bao nỗi cơ cực của mình. Nhưng anh em chúng con biết, thậm chí biết rất rõ rằng, để có thể nuôi lớn hai anh em chúng con đến ngày hôm nay, bố mẹ đã phải âm thầm chịu đựng rất nhiều. Có những chuyện không nói thành lời, chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng” – Hiếu bộc bạch.

Hiếu kể cho chúng tôi nghe có lần, trong nhà không còn đủ tiền để trang trải chuyện học cho hai anh em. Người mẹ tảo tần đành đi mượn tiền của một người hàng xóm. Nhưng chỉ mở lời được vài câu, cả hai mẹ con đều biết không thể mượn được đồng nào. Lý do đơn giản không phải là người hàng xóm hẹp hòi, mà chỉ sợ mượn rồi sẽ không lấy đâu ra tiền để trả, hỏi qua hỏi lại sẽ mất tình hàng xóm.

“Hai mẹ con đã lủi thủi ra về, buồn bã vì bất lực trước hoàn cảnh” – Hiếu nói giọng đượm buồn.

"Một ngày nào đó, ba mẹ sẽ chứng kiến sự thành đạt và tự hào về anh em chúng con" -Thủ khoa Nguyễn Minh Hiếu.

Nhưng hành trình quay về nhà, chỉ có mỗi mình Hiếu. Mẹ của Hiếu đã âm thầm rẽ sang lối khác để đi đến những nhà xóm khác, mang theo hy vọng có tiền để con được tiếp tục học tập ….

“Càng lớn khôn, hai anh em con càng cảm nhận, bố mẹ đã chịu đựng và rất “kiên cường” trước nghịch cảnh khốn khó chồng chất. Có được ngày hôm nay, con và anh của con xin nói lời tận đáy lòng:

Xin cảm ơn Bố mẹ và chỉ mong Bố mẹ luôn mạnh khỏe để một ngày nào đó, ba mẹ sẽ chứng kiến sự thành đạt và tự hào về anh em chúng con” – ánh mắt của Hiếu lạc quan hơn với niềm tin vào nghị lực của bản thân.
 
Câu chuyện của Hiếu, có lẽ, cũng là câu chuyện của nhiều gia đình nghèo, nhưng không nghèo “ước mơ đổi đời từ việc học” hay “cha mẹ cơ cực đếm mấy cũng được, miễn sao con nên người, thành đạt, thì cũng ngẩng mặt với đời, với người”. Câu chuyện ấy khiến chúng tôi vừa chạnh lòng, vừa hạnh phúc, khi có những bậc làm cha, làm mẹ đều chấp nhận mọi hy sinh cho sự học của con mình.

Với Hiếu, đó là những ngày “Ba chạy xe ôm đến tận khuya mới về tới nhà”. Bù cho những ngày không có ai gọi xe, ông đầu tắt mặt tối ngoài thửa ruộng.

Mặc cho lời khuyên ân cần từ người vợ, người chồng này cũng tần tảo, chịu khó, lặng lẽ hễ có ai gọi là nhận chạy từng cuốc xe ôm, chỉ mong có tiền trang trải cho cuộc sống, và quan trọng hơn, hai con trai ăn học đến nơi, đến chốn.

Hiếu nhớ lại và tâm sự: Em mang theo suốt đời, hình ảnh những chiếc áo, đôi giày đã cũ đến mức sờn rách, nhưng ba vẫn không mua cái mới lành lặn hơn, dù là đồ cũ, hàng rẻ tiền.

Còn Mẹ, em biết, mẹ từng chia sẻ mẹ thích cái kẹp tóc này, hay cái mũ đội ra ngồi ở quán nước …. Nhưng nói vậy thôi chứ chẳng bao giờ mẹ mua. Ba và mẹ đều dè xẻn tiết kiệm từng đồng chi tiêu. Tất cả chỉ để cho chúng con ngày hôm nay...”.

Chia sẻ nỗi cơ cực của cha, của mẹ, đầu năm lớp 11, Hiếu có đi làm thêm ở một tiệm cà- phê gần nhà. Hiếu làm ở đây cho đến khi vào lớp 12, quán cà phê đóng cửa, anh chủ quán đi học ở Sài Gòn...Hè 2018, sau kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học quốc gia, Hiếu đi làm thêm cho một quán nướng tự chọn. Chàng trai có gương mặt thông minh, tươi sáng ở vùng đất quê hương của những Tháp Chăm nổi tiếng, chỉ mong “tích góp đủ tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày của mình”. Không làm phiền ba mẹ.

Lãnh đạo Đại học Đà Nẵng tri ân các doanh nghiệp đồng hành. Trong số này, có nhiều doanh nghiệp ngành Thông tin - Truyền thông Đà Nẵng.


Chọn ngành công nghệ thông tin để cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn

Hiếu chia sẻ với chúng tôi rằng, cả ba lẫn mẹ của Hiếu đều không có thời gian và điều kiện để tìm hiểu rõ về ngành nghề, khuyến khích con cái nên theo đuổi ngành nào, nghề nào. Bởi “thời gian và cuộc sống thường ngày của ba mẹ con gắn với những thửa ruộng, quán nước giải khát và cả trên những cuốc xe”.

Thương con và trao toàn quyền quyết định chọn ngành nghề tương lai cho con, dù cực khổ vẫn tươi cười nói với các con: “Lo học thật tốt đi, gắng thi có kết quả và đậu vào đại học, thích ngành gì thì thi ngành ấy, ba mẹ đều lo cho chúng con được!".

Và Hiếu quyết định chọn ngành công nghệ thông tin, theo đuổi chuyên ngành lập trình phần mềm. Hiếu cũng cho biết sẽ cố gắng học thêm về đồ họa. Và sự lựa chọn này không xuất phát từ ngành học “hot”, hay dễ tìm việc làm…
 
Hiếu giải thích: Con chọn ngành Công nghệ thông tin vì con muốn biến những ý tưởng của mình thành hiện thực. Nhờ vào công nghệ, con muốn góp phần giải quyết những vấn đề và nhu cầu của con người trước cuộc sống. Con luôn đặt mục tiêu rằng con có thể tạo ra những sản phầm (phần mềm, sản phẩm công nghệ trên nền tảng IT), để giải quyết vấn đề và nhu cầu như đã nói…góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống. Và mỗi ngày trong cuộc sống đều trở nên ý nghĩa hơn, nếu ai ai cũng tham gia làm chất lượng cuộc sống được nâng cao hơn trước.

Ba và mẹ đã tin tưởng và trao quyết định (chọn ngành nghề) ấy cho con, nay, con tin con có đủ năng lực để theo đuổi ước mơ này của con.

Hiếu cho biết, từ năm lớp 4 đã có dịp tiếp xúc với máy tính. Và khi ấy cậu cũng như bạn bè cùng lứa chỉ dùng máy tính để xem phim và chơi những trò chơi đơn giản.

Dần dần, Hiếu nhận ra, không những máy tính là người bạn giúp mình giải trí, quên đi mệt mỏi, nó còn là người thầy mang đến cho mình rất nhiều kiến thức. Thú vị nhất là qua chiếc máy tính có kết nối internet, tìm được cả những bài toán hay, những bài văn hay. Và có lúc, máy tính còn là người cộng sự thông minh có thể làm tất cả những gì mà mình muốn.

Lan tỏa thông điệp về mục tiêu phát triển thành phố Đà Nẵng đến đội ngũ trí thức

Tối ngày 19/9 vừa qua, Đại học Đà Nẵng đã tổ chức trọng thể Lễ Vinh danh 10 thủ khoa thủ khoa và 5 sinh viên được tuyển thẳng mùa tuyển sinh năm 2018; tuyên dương khen thưởng  41 chân dung vượt khó - hiếu học, đạt được thành tích xuất sắc tiêu biểu trong năm học 2017-2018.

 

Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Trần Đình Hồng cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp đồng hành trao tặng học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đã đến dự…

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Giám đốc Đại học Đà Nẵng, sự xuất hiện của các cấp lãnh đạo cao nhất của thành phố ở những sự kiện, hoạt động quan trọng của Đại học Đà Nẵng, của các cơ sở giáo dục thành viên đã có ý nghĩa động viên, khích lệ rất lớn.

Trong năm học vừa qua, cũng như nhiều năm qua, những kết quả đạt được rất đáng ghi nhận của Đại học Đà Nẵng và các cơ sở giáo dục thành viên, ngoài nỗ lực của tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và sinh viên; còn có sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

“Thời gian đến, Đại học Đà Nẵng rất mong lãnh đạo thành phố tiếp tục tham dự các sự kiện, hoạt động quan trọng và có những phát biểu, chia sẻ về những quyết sách, chủ trương lớn, mục tiêu, định hướng phát triển quan trọng của thành phố với sinh viên, học viên và giảng viên. Tại các thành phố lớn ở nhiều quốc gia, diễn đàn ở các trường đại học, chính là nơi các nhà lãnh đạo đưa ra các tuyên bố về những chủ trương, định hướng lớn đáp ứng chiến lược phát triển của thành phố, của đất nước” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ nhấn mạnh.

-Ảnh trên: Lãnh đạo thành phố, các sở, ngành, lãnh đạo Đại học Đà Nẵng, các cơ sở giáo dục thành viên và đại diện các doanh nghiệp hảo tâm chujparnh lưu niệm cùng chân dung được vinh danh, khen thưởng.


Tự nghiêm khắc với chính mình để định hình phương pháp học tập
Và chiếc máy tính thật sự đã trở thành cộng sự, bạn đồng hành để chàng trai này áp dụng thành công cho chính mình, các phương pháp tự học.

“Với con, tự học thật sự rất quan trọng” – bạn nhấn mạnh.

Cứ sau một chương hay một phần bài giảng tiếp thu trên lớp, Hiếu lại tự “lên mạng và vào mạng (internet) tìm cho mình những bài kiểm tra kiến thức. Hiếu chọn bài và sau đó làm, tự bấm giờ, và nhờ máy tính chấm điểm như một bài kiểm tra thực sự.

Với phương pháp này, sau những lần làm bài kiểm tra trực tuyến như thế, Hiếu biết mình còn những lỗ hổng kiến thức nào, chỗ nào cần phải học kỹ hơn và … lại tiếp tục “lên mạng”, tìm thêm tài liệu tham khảo, vừa củng cố vừa mở rộng cho đến khi “lỗ hổng được cải thiện”.

Rất chịu khó học hỏi, để gia tăng vốn kiến thức của mình, nên Hiếu không ngại xác định “địa chỉ cần mượn” và liên hệ mượn, xin những tài liệu, giáo trình hay các dạng bài tập những môn tự nhiên, mà các anh chị lớp trên có, mang về tham khảo.

“Kết quả học tập của con đã thể hiện phương pháp học tập mà con chọn là đúng. Chỉ có điều, phải rất nghiêm khắc với bản thân, có khi phải tự kỷ luật bản thân. Nay vào đại học , còn vừa giữ phương pháp đã đồng hành cùng con nhiều năm tháng, vừa mong có dịp học hỏi được phương pháp học tập hiệu quả và thú vị hơn”, Hiếu nhìn nhận.

Cuối câu chuyện, Hiếu thổ lộ cùng chúng tôi 2 điều ước: Một là cùng Ba mẹ, anh trai ra Hà Nội, và nhất định cả nhà phải vào viếng Lăng Bác Hồ.

Và điều ước thứ hai, đúng là điều ước của “dân IT chính hiệu”: Được một lần đặt chân đến Công ty trò chơi Nintendo* …

PGS.TS Ngô Văn Dưỡng - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng khen thưởng các tân sinh viên được tuyển thẳng.


Mùa tựu trường, cả xã hội hướng về những chân dung hiếu học, mỗi gia đình đều vì chuyện học con em, có thể đánh đổi nhiều thứ …Miễn là con em không thua kém bạn bè và vững vàng bước vào đời trong một môi trường đầy biến động và thách thức. Những chân dung thông minh, hiếu học như Minh Hiếu; những tấm gương hy sinh cho con như Ba mẹ Minh Hiếu, đã đánh thức biết bao bạn trẻ khác, gia đình khác …

Trên hành trình đến với tương lai, chỉ có tri thức mới soi đường, mở lối để chúng ta chiếm lĩnh được đỉnh cao ước mơ, làm chủ được vận mệnh. Minh Hiếu và gia đình em với đầy cảm hứng và sự lạc quan, đang thắp sáng niềm tin, thắp sáng tương lai không chỉ cho chính họ.

Trần Ngọc, ictdanang.vn