KHCN và sáng tạo của sinh viên

Chế tạo gậy thông minh dành cho người già

Ngày đăng: Thứ sáu, ngày 15 tháng 2 năm 2019, lần xem: 410

Xuất phát từ việc chứng kiến người già trong gia đình phải đối mặt với những rủi ro trong việc đi lại hằng ngày. Nhóm sinh viên Khoa Điện - Điện tử Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật - Đại học Đà Nẵng gồm Lê Như Thiên Sao, Lê Đặng Thái Phong, Nguyễn Trọng Nhiên, Phạm Văn Lập đã chế tạo thành công chiếc gậy thông minh thay thế cho những dụng cụ thô sơ trước đây, giúp người lớn tuổi di chuyển thuận tiện, an toàn hơn.

 

Từ trái qua: Lê Đặng Thái Phong, Lê Như Thiên Sao, Nguyễn Trọng Nhiên(khoa Điện tử. ĐH Sư Phạm Kỹ thuật).Ảnh: C.D
Từ trái qua: Lê Đặng Thái Phong, Lê Như Thiên Sao, Nguyễn Trọng Nhiên (khoa Điện tử. ĐH Sư Phạm Kỹ thuật).Ảnh: C.D

 

Chiếc gậy được thiết kế đơn giản nhưng có giá trị thiết thực đối với người già trong quá trình đi lại hằng ngày. Chỉ cần kết nối với điện thoại thông minh, người ở xa cũng có thể theo dõi người thân của mình ở nhà bất kỳ lúc nào.

 

Sản phẩm hỗ trợ đi lại dành riêng cho người già vừa đoạt giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng) và được chọn làm đề tài đại diện cho trường tham gia cuộc thi Nghiên cứu khoa học do Sở khoa học và Công nghệ Đà Nẵng tổ chức, cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp quốc gia.

 

Lê Như Thiên Sao (trưởng nhóm) cho biết phải mất 2 tháng hình thành ý tưởng, lựa chọn linh kiện phù hợp để chế tạo sản phẩm với mức chi phí tiết kiệm nhất. Sau hơn 5 tháng miệt mài thì chiếc gậy thông minh dành riêng cho người già được chế tạo thành công. Ngoài giờ học, nhóm sinh viên cùng tập trung ở trường để thảo luận và gấp rút hoàn thiện sản phẩm để kịp tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học.

 

Các em được nhà trường và các thầy hỗ trợ về chi phí thực hiện. Sau khi hoàn thành, sản phẩm chỉ mất khoảng 700.000 đồng, mức chi phí rẻ hơn gấp 4 lần so với các sản phẩm đang có ở thị trường nước ngoài. Nếu đưa sản phẩm vào sản xuất đại trà thì đây là thiết bị hỗ trợ đi lại thông minh cho người già đầu tiên của nước ta.

 

Thiên Sao chia sẻ, khó khăn lớn nhất mà các bạn gặp phải đó là thời gian. Quỹ thời gian các bạn rất eo hẹp vì phải đi học và một số thiết bị không có sẵn nên phải tự chế tạo. Ngoài ra, do chưa có nhiều kiến thức về các mạch điện nên nhóm phải nhờ thầy giáo hỗ trợ thêm.

 

Thiết bị hoạt động bằng năng lượng pin, pin được sạc và sử dụng trong thời gian 12 giờ. Bộ phận quan trọng nhất trên chiếc gậy này là tay cầm, chứa bộ thu phát sóng thu tín hiệu cảnh báo gửi về điện thoại để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

 

Thiết bị được sử dụng dựa trên góc nghiêng. Khi ngã (góc nghiêng lớn), chiếc gậy sẽ phát loa thông báo cho mọi người chung quanh, sau đó gửi tin nhắn và gọi điện thoại đến người thân theo nội dung đã cài sẵn. Ngoài ra, trên tay cầm của thiết bị có tích hợp thêm 3 nút nhấn với các chức năng khác nhau, nút màu đỏ chức năng thông báo khẩn cấp đến người thân.

 

Trong một số trường hợp bị té ngã nhưng người sử dụng vẫn thấy khỏe mạnh và có thể đứng dậy được hoặc trường hợp không phải người sử dụng bị té ngã, mà do vô ý làm rơi gậy thì có thể nhấn nút màu xanh để gửi tin nhắn thông báo cho người thân không cần phải đến cứu giúp. Nút màu trắng còn lại là nút tắt âm thanh thông báo trên loa của thiết bị.

 

Hiện tại, nhóm sinh viên đang tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện thêm một số tính năng của sản phẩm như: định vị được địa điểm té ngã, gọi điện thoại thông báo cho nhiều người để tránh trường hợp số điện thoại cài sẵn không liên lạc được.

 

Cẩm Duyên - Báo Đà Nẵng