KHCN và sáng tạo của sinh viên

Sinh viên Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Đại học Đà Nẵng với khát vọng khởi nghiệp từ Sàn Thương mại điện tử về Hồ tiêu

Ngày đăng: Thứ tư, ngày 17 tháng 3 năm 2021, lần xem: 422

Vừa qua, Ý tưởng  về một dự án Sàn giao dịch Thương mại điện tử chuyên cho sản phẩm Hồ tiêu của nhóm sinh viên (SV) Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, Đại học Đà Nẵng (VKU) đã gây ấn tượng và xuất sắc đạt giải Nhì (kèm theo tiền thường 80 triệu đồng) tại Cuộc thi Tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo “GBA Business Challenge” mang tầm vóc quốc gia do Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) và Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tổ chức.

Nhóm SV VKU với Ý tưởng Sàn giao dịch Thương mại điện tử cho sản phẩm Hồ tiêu 

Ý tưởng Sàn giao dịch Thương mại điện tử chuyên cho sản phẩm Hồ tiêu của nhóm SV VKU: Trần Thị Thúy Trinh, Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Mai Quỳnh Thanh Tú (Khoa Kinh tế số và Thương mại điện tử) và Phạm Vũ Thu Nguyệt, Hồ Thanh Phong, Nguyễn Duy Sỹ (Khoa Công nghệ thông tin) xuất phát từ chính tiềm năng và thực tế của quê hương Gio Linh (Quảng Trị), nơi Hồ Tiêu là một trong những sản phẩm phổ biến, thế mạnh với hàng trăm ha là nguồn sinh kế của hàng nghìn hộ nông dân.

Đại diện nhóm SV thuyết trình ý tưởng trước Ban Giám khảo Cuộc thi GBA 

Với suy nghĩ giản dị là ứng dụng kiến thức Kinh tế số để kết nối, trao đổi cung-cầu để giao dịch chuyên cho sản phẩm Hồ tiêu trên một sàn Thương mại điện tử gồm 02 hạng mục: Website và phần mềm ứng dụng mua bán (app) hồ tiêu.

Mục đích của dự án nhằm kết nối người mua-bán, nâng cao sức thu hút và cạnh tranh cho việc tiêu thụ sản phẩm, qua đó góp phần giải quyết “bài toán” giúp người trồng hồ tiêu tiếp thị được sản phẩm trực tuyến trên sàn giao dịch đồng thời giúp các nhà tiêu thụ dễ dàng chọn mua sản phẩm phù hợp với chất lượng được người bán mô tả, người mua có thể tham khảo giá thị trường được cập nhật trên ứng dụng.

Dự án xuất phát từ nhu cầu thực tế giúp giải bài toán, kết nối cung-cầu tại quê hương Gio Linh, Quảng Trị 

Việc niêm yết giá Hồ tiêu công khai sẽ giúp người nông dân tránh được việc bị ép giá do không nắm được thông tin thị trường… Thực tế hiện chưa có sàn giao dịch Thương mại điện tử nào dành riêng cho sản phẩm Hồ tiêu, SV Thanh Tú cho biết.

Nhóm chúng em đã và đang xúc tiến truyền thông ý tưởng về ứng dụng Thương mại điện tử cho các hộ dân trồng Hồ tiêu quê nhà qua người thân, hướng dẫn sử dụng smart phone, máy tính chụp ảnh, mô tả sản phẩm thực tế của mình trên sàn giao dịch để chào bán, đồng thời khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của người bán-mua để hoàn thiện bản Demo, SV Thúy Trinh chia sẻ.

Ý tưởng sáng tạo của nhóm SV VKU đạt giải Nhì Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia GBA

Hiện nay, nhóm đã và đang triển khai thí điểm Dự án tại chính trên quê hương Gio Linh với các sản phẩm: tiêu khô và tiêu thành phẩm. Theo TS Lê Phước Cửu Long-Phụ trách khoa Kinh tế số & Thương mại Điện tử VKU, ý tưởng khởi nghiệp trong công nghiệp chế biến nhất là khâu hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm nông nghiệp là một thách thức, tuy nhiên các bạn SV đã rất sáng tạo và quyết tâm thực hiện dự định của mình.  

Nhà trường rất chú trọng việc đào tạo trên giảng đường gắn với nhu cầu thực tiễn, theo đó khuyến khích SV ứng dụng Kinh tế số, quản trị kinh doanh số, kinh doanh điện tử, digital marketing… với các phương pháp học tập tích cực, hiệu quả: Học theo dự án, Học từ trải nghiệm thực tế, theo “đặt hàng” của các doanh nghiệp…

 SV ĐHĐN xuất sắc, thành công ở sân chơi khởi nghiệp GBA với 01 giải Nhất, 01 giải Nhì 

Hy vọng và tin tưởng với ý tưởng thiết thực, xuất phát từ góc nhìn chia sẻ với cộng đồng, giải quyết bài toán tiêu thụ sản phẩm cho chính quê hương mình, Dự án khởi nghiệp sáng tạo Sàn giao dịch Thương mại điện tử cho Hồ tiêu của nhóm SV VKU sẽ tiếp tục vượt qua thách thức, khó khăn, khẳng định tính khả thi và thành công hơn nữa trong tương lai.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

(Theo Báo Công thương)