Sinh viên phải chuẩn bị tâm thế để trở thành công dân toàn cầu. Đó là một trong những lời nhắn nhủ của Giáo sư Ngô Bảo Châu – Nhà Toán học hàng đầu của Việt Nam gửi đến các bạn sinh viên Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) trong buổi giao lưu diễn ra vào chiều ngày 25/4/2017 tại Trường Đại học Bách khoa – ĐHĐN.
GS. Ngô Bảo Châu ký tặng cho các bạn sinh viên ĐHĐN tại buổi giao lưu
“Trong chuyến công tác này, tôi muốn được lắng nghe những mơ ước và khát vọng, cũng như những trải nghiệm của các bạn sinh viên về khoảng thời gian học đại học. Tôi mong muốn được biết nhiều hơn nữa tình hình hoạt động của các trường đại học ở nhiều mô hình khác nhau, để có thể hiểu rõ hơn nền giáo dục đại học của đất nước. Từ đó, tôi và các cộng sự có thể đề xuất cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho Chính phủ, làm thế nào để “thiết kế” một tương lai chung cho giáo dục Việt Nam” – GS. Ngô Bảo Châu bộc bạch.
Mở đầu buổi giao lưu, Giáo sư thừa nhận với các bạn sinh viên rằng khoảng cách giữa giáo dục Việt Nam và các nước trên thế giới, có thể nói là vẫn còn rất xa. Tuy nhiên, vẫn có những tiền đề để phát triển hơn nữa nền giáo dục nước nhà. Một trong những lợi thế đầu tiên đó là tinh thần hiếu học của dân tộc ta, được truyền từ bao đời nay. Người Việt Nam vốn rất coi trọng tri thức. Có thể thấy rõ điều này qua sự đầu tư vào giáo dục của mỗi gia đình nói riêng và của toàn xã hội nói chung.
Xét riêng lĩnh vực Toán học, theo Giáo sư, trong những năm gần đây, nền Toán học của nước nhà không những đã vượt qua được khó khăn mà còn có nhiều tiềm năng để tiếp tục phát triển. Đó là nhờ vào sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước đối với lĩnh vực Toán học, cũng như sự quyết tâm “sống chết với nghề Toán”.
Các bạn sinh viên theo dõi đoạn phim giới thiệu về Nhà Toán học hàng đầu Việt Nam
Học đại học hiệu quả
Nhân dịp được gặp gỡ và giao lưu với Giáo sư Ngô Bảo Châu, các bạn sinh viên đã “tranh thủ” hỏi về phương pháp học tập (bao gồm cả quá trình tự học) ở đại học sao cho hiệu quả và làm thế nào để giữ vững đam mê với ngành học mà mình đã chọn.
Chia sẻ về vấn đề này, Giáo sư cho rằng các bạn chỉ cần cố gắng học thật tốt những môn chính, chứ không nhất thiết phải giỏi tất cả các môn. Đặc biệt là phải tập trung, kiên trì đào sâu nghiên cứu những gì mình thích, có vậy mới biến đam mê thành chuyên môn, và bản thân sẽ “thực sự” giỏi ở lĩnh vực mà mình đã chọn.
Có bạn cũng thắc mắc về cách thức giúp GS. Ngô Bảo Châu vượt qua những khó khăn, hay chán nản khi gặp phải thất bại trong quá trình giải Toán nói riêng, và nghiên cứu khoa học nói chung.
Trả lời cho câu hỏi này, Giáo sư bộc bạch: Trước tiên, các bạn cần xác định cho mình một mục tiêu cụ thể và phải biết giới hạn của nó. Xác định được vấn đề này cũng đồng nghĩa với việc các bạn đã hiểu được tiềm lực nội tại của bản thân. Từ đó sẽ tránh lãng phí thời gian, cũng như nguồn lực để theo đuổi mục tiêu. Chắc chắn ở bước đầu tiên sẽ không tránh khỏi những va vấp, thất bại, nhưng có vậy các bạn mới có quá trình tự kiểm tra, kiểm nghiệm lại bản thân để làm tốt hơn, hoàn thiện hơn. Cũng giống như việc giải Toán, không phải lúc nào bạn cũng có thể tìm ra đáp án đúng ngay lần đầu tiên, mà phải qua vài lần “thử nghiệm” mới có được đáp án chính xác.
Một bạn sinh viên đặt câu hỏi cho Giáo sư
Với chương trình học ở Việt Nam còn nặng về lý thuyết, hạn chế về thực hành, một bạn sinh viên đến từ Trường ĐH Bách khoa – ĐHĐN đã xin lời khuyên của Giáo sư làm thế nào để giúp sinh viên các khối ngành kỹ thuật nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng thực hành.
“Các bạn phải tự tìm kiếm cơ hội thực hành cho mình bất kể lúc nào. Mùa hè là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để các bạn có thể tự nâng cao kỹ năng thực hành nghề nghiệp của mình, bằng cách tìm kiếm các công việc, có lương hoặc không lương là không quan trọng. Đối với các bạn sinh viên ngành kỹ thuật, tôi cho rằng không có trường học nào có thể dạy hết tất cả các kỹ năng cho các bạn. Tuy nhiên, môi trường bên ngoài sẽ mang đến cho các bạn nhiều cơ hội được rèn giũa và phát triển toàn diện” – Giáo sư chia sẻ.
Điều gì làm nên một công dân toàn cầu
“Bởi thế giới sẽ luôn thay đổi, nên các bạn đừng quá đặt nặng vấn đề chảy máu chất xám. Bạn có thể sinh ra ở quốc gia này, học ở quốc gia khác, và làm việc ở một quốc gia khác nữa, đó là xu hướng chung của thế giới. Hãy biến mọi nơi đều là nhà, chỉ cần tâm hồn bạn luôn hướng về cội nguồn quê hương, luôn ghi nhớ và tìm cách cống hiến cho quốc gia, cho dân tộc. Đó là một trong các yếu tố giúp bạn trở thành một công dân toàn cầu” – Giáo sư Ngô Bảo Châu đã bày tỏ thắng thắn quan điểm của mình trước câu hỏi của một bạn sinh viên về hiện tượng “chảy máu chất xám” mà bạn quan tâm.
Giáo dục đại học là quá trình tích lũy kiến thức và kỹ năng, chuẩn bị hành trang để bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Tại buổi giao lưu, những băn khoăn, trăn trở của các bạn sinh viên về cơ hội việc làm, nên tìm kiếm một công việc hay là khởi nghiệp, v.v… được nhiều bạn trẻ bày tỏ và mong muốn Giáo sư giải đáp.
Trao đổi về làn sóng khởi nghiệp đang lan tỏa trên toàn cầu, GS. Ngô Bảo Châu cho biết: Ở Hoa Kỳ, chỉ cần bạn có ý tưởng, bạn chăm chỉ và kiên trì theo đuổi ý tưởng của mình, bạn sẽ khởi nghiệp thành công. Nhưng ở Việt Nam và một số quốc gia khác, có ý tưởng thôi cũng chưa đủ, bởi chưa có các nhà đầu tư, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam còn chưa hoàn thiện, nên con đường khởi nghiệp đối với các bạn trẻ vẫn còn nhiều khó khăn. Ở Pháp, chuyện một sinh viên ra trường và tìm kiếm việc làm là quy luật tất yếu. Làm thuê hay làm công đều giúp các bạn học tập nhiều hơn từ các nhà quản lý, lãnh đạo.
GS. Ngô Bảo Châu trả lời câu hỏi của các bạn sinh viên
Về vấn đề cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh hưởng đến cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh viên Việt Nam, theo Giáo sư, nếu không có sự thay đổi về tổ chức xã hội, cuộc cách mạng này sẽ dẫn đến những cuộc khủng hoảng. Sẽ có những người làm giàu rất nhanh, cũng có những người sẽ mất đi cơ hội việc làm. Vậy người trẻ phải làm thế nào để tồn tại trước những thách thức này? Giáo sư cho rằng, đây cũng là cơ hội để người trẻ tìm ra chỗ đứng của mình trong xã hội, trong thị trường lao động, nhất là những người mới vào cuộc.
Một nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học (Mỹ) cuối năm 2015 đã phát hiện ra rằng ngày càng có nhiều người Mỹ da trắng chết ở tuổi trung niên. Giải thích hiện tượng này, báo cáo của Quỹ thịnh vượng chung (Commonwealth Fund) đã phân tích và nêu ra như sau: “Xét về một loạt các chỉ số kinh tế-xã hội, người da trắng trung niên đã bị tụt hậu trong thế kỷ 21. Họ có thu nhập thấp, ít được trọng dụng và kết hôn ít hơn. Điều này dẫn đến việc họ bị gạt ra ngoài rìa của xã hội.” Thông tin này đáng được lưu tâm hơn bao giờ hết, bởi trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc sẽ dần thay thế con người trong các công việc chân tay.
Vậy người trẻ, đặc biệt là các bạn sinh viên cần chuẩn bị những gì, thích nghi như thế nào, vận dụng kiến thức và phương tiện truyền thông hiện đại ra sao để đối mặt với thách thức trên?
Câu hỏi này liên quan đến “văn hóa đọc” mà một bạn sinh viên đặt ra cho GS. Ngô Bảo Châu, khi ngày nay các bạn trẻ dành nhiều thời gian hơn cho mạng xã hội.
Giáo sư đã đưa ra những lời khuyên bổ ích như sau: Cần có “kỷ luật” đối với việc sử dụng mạng xã hội, ví dụ như chỉ nên “lướt facebook” vào 1 giờ nhất định, 1 thời lượng nhất định. Và thay vào đó, hãy xem mạng xã hội là công cụ để xây dựng, kết nối và gìn giữ mạng lưới các mối quan hệ.
Là một người cũng làm trong lĩnh vực xuất bản, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng, văn hóa đọc của giới trẻ những năm gần đây có dấu hiệu khả quan hơn, khi nhiều đầu sách có chất lượng được phát hành, thu hút một lượng lớn độc giả quan tâm. Điều quan trọng là làm thế nào để có thể tích hợp, sử dụng các công cụ hiện đại một cách có ích cho việc học tập và nghiên cứu của sinh viên, chứ không nhất thiết chỉ sử dụng mỗi sách.
Thay mặt lãnh đạo ĐHĐN, PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ – Phó Giám đốc ĐHĐN tặng hoa cảm ơn và gửi những lời chúc tốt đẹp đến GS. Ngô Bảo Châu
Đại học Đà Nẵng
Tin, ảnh: Thanh Nhã – VP ĐHĐN