Lý do ĐHĐN được tin tưởng, lựa chọn

Tuyển sinh Đại học Đà Nẵng-2023: Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số

Ngày đăng: Thứ sáu, ngày 28 tháng 7 năm 2023, lần xem: 463

Chiến lược phát triển Công nghệ thông tin (CNTT) Quốc gia, Chiến lược phát triển Công nghiệp Công nghệ số cũng như Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đều xác định mục tiêu đưa CNTT, công nghệ số và chuyển đổi số trở thành các ngành kinh tế mũi nhọn, đem lại giá trị gia tăng cao, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư.

Để đạt được những mục tiêu này, vấn đề đặt ra là cần đảm bảo đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực lớn, chất lượng cao phục vụ phát triển CNTT và chuyển đổi số mà Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) với truyền thống, tiềm lực và kinh nghiệm đào tạo của các trường ĐH thành viên, đơn vị đào tạo trực thuộc hội đủ các yếu tố để đảm nhận, gánh vác sứ mệnh đó.


Nhiều doanh nghiệp giới thiệu nhu cầu, 
tuyển dụng trong Ngày hội DevDay-2023

tổ chức tại Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN

Trường Đại học (ĐH) Bách khoa-ĐHĐN có bề dày kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực CNTT, công nghệ số trong gần 30 năm qua.

Theo PGS.TS Nguyễn Tấn Khôi-Trưởng khoa Khoa CNTT cho biết, liên tục những năm qua, Nhà trường đã không ngừng tiên phong, mở mới các chương trình đào tạo (CTĐT) bám sát nhu cầu xã hội, chủ động, thích ứng để bắt kịp xu thế phát triển khoa học và công nghệ của Cách mạng 4.0: Mở chuyên ngành đào tạo về An toàn thông tin (năm 2018), chuyên ngành Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (AI) (năm 2020); cùng với đó là các chuyên ngành “hot” đối với thị trường lao động trong nước, quốc tế khác như: Công nghệ phần mềm, Mạng và truyền thông, Hệ thống thông tin, Hệ thống nhúng…


Môi trường học tập nghiên cứu tiện nghi, 
thân thiện truyền cảm hứng cho SV

Với uy tín, học hiệu hàng đầu đã được khẳng định, bình quân mỗi năm Khoa CNTT cung ứng hơn 350 tân kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp, trong đó sinh viên được tăng cường đáng kể thời lượng thực hành, thực tập, làm việc để trải nghiệm và học hỏi kinh nghiệm thực tế từ doanh nghiệp (các chương trình Đặc thù-Hợp tác doanh nghiệp), nhờ đó tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm phù hợp với chuyên ngành được đào tạo đạt rất cao.

SV Khoa CNTT, Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN luôn năng động, thực tiễn, thích ứng nhanh 

Nhà trường thường xuyên mời các doanh nghiệp đối tác tham gia góp ý, xây dựng, cập nhật mới để hoàn thiện các CTĐT, tích cực kiểm định và được công nhận đạt chuẩn quốc tế (Đông Nam Á AUN-QA); bổ sung nhiều tri thức tiên tiến về AI, BigData, IoT, Blockchain, điện toán đám mây hay mạng nơron học sâu vào nội dung giảng dạy; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tiềm lực đội ngũ để nâng cao chất lượng đào tạo.


VKU thường xuyên đăng cai, tổ chức 
các sự kiện, cuộc thi cho học sinh phổ thông

như Olympic Tin học miền Trung và Tây Nguyên

Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, ĐHĐN (VKU) lại có thế mạnh nhờ phát huy kinh nghiệm đào tạo ứng dụng nghề nghiệp (từ Trường Cao đẳng CNTT của ĐHĐN hay Trường Cao đẳng CNTT Việt-Hàn trước đây) với sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ Hàn Quốc (tài trợ Dự án ODA cho Nhà trường 7,7 triệu USD cho giai đoạn phát triển sắp tới).


VKU phối hợp với Sở GDĐT Đà Nẵng 
tổ chức Hội thảo chuyển đổi số 

Để đáp ứng nhu cầu “khát” nguồn nhân lực chất lượng cao, Nhà trường đã rất chủ động, tích cực mở mới nhiều CTĐT nền tảng cho phát triển công nghệ số, hướng đến phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số như: AI, Công nghệ Kỹ thuật Máy tính, Mạng và An toàn thông tin, Quản trị Tài chính số, Quản trị Logistics và chuỗi cung ứng số, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số…

SV có nhiều cơ hội tham quan, thực tập bổ ích tại doanh nghiệp 

Theo đại diện của Nhà trường cho biết, thời gian qua, VKU luôn chú trọng kết nối, mở rộng mạng lưới doanh nghiệp đối tác trong và ngoài nước, qua đó phát huy tiềm năng, thế mạnh của Nhà trường-doanh nghiệp đem lại nhiều cơ hội cho sinh viên phát triển năng lực, kỹ năng chuyên môn và nghề nghiệp, thích ứng nhanh với yêu cầu làm việc trong môi trường thách thức chuyên nghiệp khi ra trường.

Nhà trường mời được nhiều chuyên gia, doanh nhân, kỹ sư thành đạt, giàu kinh nghiệm tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành/thực tập cho sinh viên và ở chiều ngược lại, sinh viên của VKU được tham gia nhiều khoá đào tạo, thực tập, trải nghiệm tại các doanh nghiệp đối tác.


Không ngừng tăng cường cơ sở vật chất 
phòng thí nghiệm, thực hành cho SV 

Cùng với đó, các trường ĐH thành viên khác của ĐHĐN như Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật cũng đã tiên phong thành lập Khoa Công nghệ số, tích cực hợp tác với doanh nghiệp tham gia đồng hành hỗ trợ, trang bị nhiều phòng thí nghiệm, thực hành cho sinh viên; các Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm cũng đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo các ngành liên quan đến CNTT như Cử nhân Hệ thống thông tin quản lý, Cử nhân Marketing số, Cử nhân Tin học…


Nhiều sản phẩm sáng tạo của SV 
có giá trị ứng dụng thực tiễn 

Xét về nhu cầu của thị trường lao động chỉ tính trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng hiện có tỷ lệ doanh nghiệp CNTT/công nghệ số đạt 2,3 doanh nghiệp/1.000 dân (đứng thứ 2 trên cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh) với số nhân lực đạt gần 47.000 người.

Viện Công nghệ Quốc tế DNIIT-ĐHĐN và các chuyên gia tham quan, tìm hiểu

Công viên phần mềm Đà Nẵng 

Với 03 khu CNTT tập trung đang hoạt động: Công viên phần mềm Đà Nẵng lấp đầy với 2.200 nhân lực (Công viên phần mềm số 2 dự kiến thu hút 6.000 nhân lực); FPT Complex có hơn 6.000 nhân lực và nhu cầu lên đến 10.000 nhân lực vào năm 2025; Khu CNTT tập trung Đà Nẵng dự kiến sẽ còn thu hút lên đến khoảng 20.000 nhân lực, chưa kể Tòa nhà Phần mềm và Công nghệ cao của Viettel có nhu cầu khoảng 2.500 nhân lực CNTT… Như vậy, mục tiêu nhu cầu nhân lực cho phát triển CNTT, công nghệ số của thành phố Đà Nẵng đến năm 2025 cần đến khoảng 75.000 nhân lực.


Sự gắn kết "ba nhà" thúc đẩy nâng cao 
chất lượng đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực 

CNTT, công nghệ số và chuyển đổi số

Chính vì vậy, cần tăng cường hơn nữa sự đồng hành giữa “ba nhà” (nhà nước-nhà trường-nhà doanh nghiệp) để dự báo, gắn kết cung-cầu, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực: Nhà nước kiến tạo chính sách, môi trường thuận lợi; Doanh nghiệp chủ động “đặt hàng”, đồng hành với Nhà trường trong đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực và nhất là vai trò của các cơ sở đào tạo thành viên của ĐHĐN khi đã hội đủ tiềm lực, kinh nghiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là lời giải cho “bài toán” phát triển CNTT, công nghệ số và chuyển đổi số trong kỷ nguyên 4.0.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN