Môi trường học tập

Dạy học qua dự án: Rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và yêu cầu thực tế

Ngày đăng: Thứ ba, ngày 6 tháng 8 năm 2019, lần xem: 661

Dạy học qua dự án (Project-based Learning - PBL) được nhiều trường đại học đào tạo khối ngành STEM trên thế giới triển khai áp dụng với mong muốn giúp sinh viên (SV) vận dụng được các kỹ năng liên môn, liên ngành để đạt được những kỹ năng vượt ra khỏi nội dung sách vở thuần túy, rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và tuyển dụng. Để phương pháp này đạt hiệu quả cần có sự chung tay hỗ trợ từ các doanh nghiệp cùng đội ngũ giảng viên hướng dẫn cho SV thực hiện được các dự án thực tế như tại Trường Đại học (ĐH) Bách khoa - ĐH Đà Nẵng.

 

SV Khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng

bảo vệ Dự án Capstone Project

 

Dự án Capstone

Trong lễ bảo vệ Capstone Project của SV khoa Khoa học công nghệ tiên tiến, trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) năm 2019 có năm nay có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực Điện tử, Viễn thông, Hệ thống nhúng, Tự động hóa như Fossil, Savarti, Viettel, GMO-Z.com RUNSYSTEM, CMC Telecom, Sioux, Synapse, FPT Telecom, eSilicon, Inovation Maker Space… Việc triển khai thực hiện đồ án tốt nghiệp dưới dạng Capstone Project đã được trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) áp dụng cho SV thuộc chương trình tiên tiến từ năm 2014. SV làm Capstone Project phải triển khai thực hiện đề tài trong thời gian 5 tháng tại doanh nghiệp dưới sự hướng dẫn của Hội đồng hướng dẫn gồm giảng viên của trường và các chuyên gia, kỹ sư giàu kinh nghiệm của doanh nghiệp. Đề tài Capstone Project được lựa chọn là vấn đề mà doanh nghiệp đang quan tâm nghiên cứu và được Hội đồng hướng dẫn định hướng về nội dung để vừa đảm bảo yêu cầu về tính học thuật vừa đảm bảo yêu cầu về khả năng áp dụng thực tiễn của đề tài.

 

Các ý tưởng của sinh viên còn được triển khai tại Không gian sáng chế, ĐHĐN

 

Dự án Capstone vì vậy được xem là “nơi tri thức hàn lâm gặp gỡ với thực tại công nghiệp”. Mục đích của Capstone là áp dụng tri thức thu được trong trường và biến nó thành kỹ năng đáp ứng cho nhu cầu công nghiệp. Kết quả của dự án Capstone phải được trình bày dưới dạng báo cáo do cả doanh nghiệp và các giảng viên hướng dẫn đánh giá. PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng cho biết: “Để đi đến sự thống nhất với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hàng đầu trong hướng dẫn, đánh giá dự án Capstone của SV là không đơn giản vì thường thì kiến thức và cách thức của nhà trường thường mang tính hàn lâm hơn. Chính vì vậy, mỗi dự án Capstone do cả kỹ sư của doanh nghiệp hướng dẫn phần giải quyết một vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp, giảng viên của nhà trường sẽ đảm nhận hướng dẫn phần lý thuyết và SV có 2 cột điểm đánh giá”. Với cách thực hiện dự án Capstone, giảng viên cũng có cơ hội tiếp cận với doanh nghiệp, cập nhật những công nghệ, thực tiễn tại doanh nghiệp sản xuất.

 

Smart Mattress (nệm thông minh) của SV Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng

đã đạt giải Nhất tại Cuộc thi EPICS Việt Nam - 2018 (Các dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng)

 

Học với chuyên gia

Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc FPT Software chi nhánh Đà Nẵng cho biết, do nhu cầu phát triển trong những năm trở lại đây, lĩnh vực phần mềm của FPT Đà Nẵng luôn đạt được những con số tăng trưởng cao từ 50 - 60%/năm, đội ngũ kỹ sư phần mềm của FPT Đà Nẵng cũng tăng vọt từ con số 400 người trong năm 2011 đến nay lên hơn 3.000 người và dự kiến lên 10.000 người vào năm 2020. Để chuẩn bị nguồn nhân lực số đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế số, FPT Software chủ động kết nối với các trường ĐH trong đào tạo. “Như trong hợp tác với ĐH Đà Nẵng, chúng tôi cố gắng theo SV từ năm thứ nhất để đưa ra những định hướng trong học tập và cùng nhà trường tạo nền tảng kỹ năng nghề, xây dựng được văn hóa doanh ngghiệp ngay từ đầu. Có những chuyên đề chuyên môn do chính FPT Software đề xuất và cử chuyên gia giảng dạy trong trường ĐH”. Bà Mai Trang Thanh - Chủ tịch Công ty Honeywell tại Thái Lan và khu vực Đông dương cho chia sẻ, Honeywell là công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, sinh học. Trong 6 năm qua, Honeywell đã tuyển dụng các kỹ sư tốt nghiệp các chuyên ngành dầu khí, sinh học từ các trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, ĐH Bách khoa và Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh. “Chúng tôi chủ động kết nối với các trường ĐH trong đào tạo và tuyển dụng để có được nguồn lao động chất lượng cao của các trường đại học kỹ thuật của Việt Nam, giúp kỹ sư có khả năng thích ứng cao trong các môi trường làm việc có sự thay đổi nhanh về công nghệ và các kỹ năng đáp ứng nền kinh tế số”.

 

Sự quan tâm, hỗ trợ của Ban Giám hiệu Nhà trường luôn là nguồn động viên thúc đẩy

sinh viên đam mê nghiên cứu sáng tạo

 

Từ góc độ nhà trường, PGS.TS Đoàn Quang Vinh cho biết, học qua dự án dưới dạng liên ngành là một giải pháp được nhà trường áp dụng với mục đích thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và môi trường làm việc thực tế. “Trong mỗi học kỳ SV sẽ nhận một dự án (project) liên ngành, được phân bổ trong khóa học và thực hiện theo hình thức xoáy ốc với mực độ và yêu cầu cao dần. Đối với mỗi project từng ngành, kiến thức của ngành là trọng tâm nhưng đòi hỏi thêm sự tích hợp nhiều lĩnh vực khác có liên quan; yêu cầu về chiều sâu kiến thức và kỹ năng của SV khi thực hiện các project càng về sau khóa học càng tăng. Những project này có thể do giảng viên đặt ra, cũng có thể là do doanh nghiệp đặt hàng. Đại đa số các project cuối khóa sẽ là các bài toán thiết thực đối với doanh nghiệp hoặc là chính các bài toán, các đề tài nghiên cứu của doanh nghiệp. Chính vì vậy, sự chung tay hỗ trợ từ các doanh nghiệp như đưa dự án vào nhà trường, cùng đội ngũ giảng viên của trường tham gia hướng dẫn SV thực hiện dự án là rất quan trọng” - PGS.TS Đoàn Quang Vinh nhận định. “Trong quá trình hợp tác với nhà trường, rất nhiều doanh nghiệp đã đặt hàng cho SV nghiên cứu các vấn đề thực tế của doanh nghiệp. Trong quá trình nghiên cứu, các doanh nghiệp cũng hỗ trợ sinh viên về tài chính, trang thiết bị thí nghiệm, chế tạo mẫu thử. Những điều này giúp cho các đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên ngày càng có chất lượng cao, gắn liền với thực tế cao hơn. Ví dụ như năm 2018 đã có một doanh nghiệp Nhật đặt hàng và hỗ trợ SV nghiên cứu, chế tạo hệ thống tay gắp mềm bỏ thức ăn vào hộp; hoặc Hệ thống kiểm tra chức năng bo mạch (board) cho sản phẩm máy giặt cũng là một đề tài được doanh nghiệp đặt hàng. Nhiều đề tài NCKH của SV khác cũng được các tổ chức, doanh nghiệp đặt hàng nghiên cứu nâng cao, hoàn thiện sản phẩm, ví dụ như Phương tiện thủy bộ thu gom rác thải bãi biển, ...”

Theo Báo Giáo dục và Thời đại