Kiểm định và đảm bảo chất lượng

Đại học Đà Nẵng hướng đến một đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế

Ngày đăng: Thứ năm, ngày 14 tháng 2 năm 2019, lần xem: 467

Hướng đến một đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế, năm 2017, công tác đảm bảo chất lượng của Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) nói chung và các cơ sở giáo dục đại học thành viên nói riêng tiếp tục đạt được nhiều kết quả nổi bật, trong đó, tiêu điểm là Trường ĐH Bách khoa – ĐHĐN được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng của Tổ chức Kiểm định chất lượng châu Âu (HCERES) với thời hạn 5 năm từ tháng 6/2017 – 6/2022.

Về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo (CTĐT), bên cạnh 2 Chương trình Tiên tiến ngành Điện tử - Viễn thông và Hệ thống Nhúng đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng theo Bộ tiêu chuẩn AUN-QA vào năm 2016 với kết quả cao nhất trong các chương trình đào tạo đã được kiểm định bởi AUN-QA tại Việt Nam, đầu tháng 4/2018, 4 chương trình đào tạo gồm Kỹ thuật Điện – Điện tử, Kỹ thuật Điện tử Viễn thông, Kỹ thuật Dầu khí và Công nghệ thông tin của Trường ĐH Bách khoa tiếp tục được kiểm định và đánh giá ngoài theo tiêu chuẩn AUN-QA, nâng tổng số chương trình đào tạo được kiểm định và đánh giá theo tiêu chuẩn AUN-QA của Trường là 6.

 

Đoàn chuyên gia của Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á tham gia đánh giá ngoài chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn AUN – QA tại Trường ĐH Bách khoa – ĐHĐN vào tháng 4/2018 (ảnh: Trường ĐH Bách khoa - ĐHĐN)

 

Trên cơ sở đó, trong chu kỳ tiếp theo, Trường ĐH Bách khoa - ĐHĐN sẽ tiến tới đăng ký kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục theo tiêu chuẩn AUN-QA (điều kiện để đăng ký là có ít nhất 5 chương trình đào tạo đã được kiểm định).

Khẳng định chất lượng chương trình đào tạo đạt chuẩn khu vực

Trong lộ trình đảm bảo chất lượng giáo dục, PGS.TS Đinh Thành Việt – Thư ký thường trực Hội đồng Đảm bảo chất lượng giáo dục (ĐBCLGD); Trưởng ban, Ban ĐBCLGD, ĐHĐN cho biết, trong thời gian tới, một số chương trình đào tạo gồm Kiến trúc, Kỹ thuật Công trình giao thông, Kinh tế Xây dựng (Trường ĐH Bách khoa) và Sư phạm Vật lý (Trường ĐH Sư phạm) sẽ được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA (vào tháng 10/2018).

Ngoài ra, một số chương trình đào tạo như Kế toán, Quản trị kinh doanh cũng đã được đồng ý kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA vào năm 2019.

Lộ trình này được thực hiện nhằm hướng tới mục tiêu, đến năm 2020, các cơ sở giáo dục đại học thành viên của ĐHĐN có 10% CTĐT được đánh giá ngoài bởi tổ chức kiểm định trong nước hoặc quốc tế; 100% các chương trình có yếu tố quốc tế được kiểm định; 50% số CTĐT được đánh giá nội bộ trong giai đoạn 2015-2020, và phấn đấu đến năm 2025, Trường ĐH Bách khoa có ít nhất 2 CTĐT đạt chuẩn ABET, Trường ĐH Kinh tế có ít nhất 2 CTĐT đạt chuẩn AACSB hoặc FIBAA.

Hướng đến một đại học đạt chuẩn khu vực và quốc tế

Thông qua nhiều đợt kiểm định, ĐHĐN đã nhận được nhiều khuyến nghị từ các chuyên gia quốc tế, qua đó góp phần cải tiến và nâng cao chất lượng kiểm định của các cơ sở giáo dục cũng như các chương trình đào tạo, uy tín và thứ hạng của ĐHĐN trong và ngoài nước.

Cụ thể, tầm nhìn của các cơ sở giáo dục đại học thành viên cần phải thể hiện bản sắc riêng và kế hoạch chiến lược phát triển cần phải gắn liền và hỗ trợ để đạt được tầm nhìn đó; đồng thời các tuyên bố phải thể hiện rõ các giá trị cốt lõi, triết lý giáo dục của nhà trường với cán bộ, giảng viên và sinh viên. Bên cạnh đó, cũng cần tập trung nhấn mạnh chiến lược phát triển của toàn ĐHĐN cũng như của các cơ sở giáo dục đại học thành viên trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; chiến lược chuẩn bị cho việc trở thành ĐH nghiên cứu, ĐH số (Digital University); chiến lược nâng cao tỉ lệ người học có việc làm; và làm thế nào để nâng cao, phát huy tác dụng của các trung tâm khởi nghiệp cũng như những kết quả tích cực từ các hoạt động khởi nghiệp đã được tổ chức và triển khai.

 

Bảng xếp hạng 200 trường ĐH của Việt Nam theo 4icu năm 2018, ĐHĐN đã tăng 1 bậc so với năm 2017

 

Về hoạt động đào tạo, phương pháp giảng dạy, kiểm tra và đánh giá phải gắn kết với chuẩn đầu ra học phần; tập trung chiến lược quốc tế hóa đào tạo và thúc đẩy loại hình đào tạo kết hợp với doanh nghiệp; chú trọng nâng cao kỹ năng mềm cho sinh viên, các hoạt động hỗ trợ cho người học và đặc biệt là hệ thống tuyển sinh phải quan tâm đến từng người học.

Về công tác quản lý nguồn nhân lực, cần quy hoạch đội ngũ giảng viên và cán bộ phục vụ cho từng năm, từng giai đoạn cụ thể; cũng như xác định nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ, trong đó, cần phải phân tầng cán bộ phụ trách chuyên giảng dạy và chuyên nghiên cứu.

Ngoài ra, chất lượng của một đại học cũng được thể hiện qua những giá trị mà đại học đó đã đóng góp và phục vụ cho cộng đồng. Do đó, ĐHĐN và các cơ sở giáo dục đại học thành viên cũng cần có những chiến lược kết nối và phục vụ cộng đồng, mà trong đó có sự tham gia của cả giảng viên và sinh viên.

 

Các cán bộ, giảng viên tham gia tập huấn “Đánh giá chuẩn đầu ra chương trình đào tạo và các học phần”

 

PGS.TS Đinh Thành Việt đề xuất nhóm giải pháp thành lập ban chỉ đạo về việc duy trì và nâng cao xếp hạng quốc tế cho ĐHĐN và các cơ sở giáo dục đại học thành viên theo các tiêu chuẩn quốc tế (QS-ASIA + Webometrics), cũng như thành lập các nhóm xây dựng chính sách, thành lập tổ xây dựng website và cơ sở dữ liệu để cập nhật liên tục thông tin số liệu và trích xuất theo yêu cầu QS, định kỳ công khai báo cáo hằng năm trên website và phân tích, đánh giá dữ liệu hàng năm, từ đó có biện pháp cải tiến.

GS.TSKH Bùi Văn Ga – Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy viên Hội đồng ĐBCLGD góp ý, để đạt được những mục tiêu trên, ĐHĐN cần có chiến dịch quảng bá cho công tác kiểm định (từ lúc kiểm định cũng như khi hoàn thành). Và để nâng cao xếp hạng, ĐHĐN cần phải có chiến lược tập trung. Trong đó, chú trọng thu hút sinh viên, giảng viên quốc tế, đặc biệt là các giảng viên, sinh viên trong khu vực; cũng như đầu tư tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu để nhiều người có thể sử dụng được bằng cách liên kết với các trường, đầu tư khai thác hoạt động cơ sở dữ liệu online.

Như vậy, nhìn chung, hoạt động kiểm định chất lượng của toàn ĐHĐN và các cơ sở giáo dục đại học thành viên đã đạt nhiều kết quả tốt, nổi bật là Trường ĐH Bách khoa với hệ thống đảm bảo chất lượng đã đi vào ổn định. Hoạt động kiểm định nâng cao chất lượng CTĐT của từng cơ sở giáo dục đại học thành viên tiếp tục được củng cố.

GS.TS Trần Văn Nam – Chủ tịch Hội đồng ĐBCLGD ĐHĐN đề nghị, trong thời gian đến cần tiếp tục nghiên cứu các khuyến nghị và rà soát, bổ sung những thiếu sót, đồng thời đẩy mạnh kênh quảng bá, truyền thông, cơ sở dữ liệu của từng cơ sở giáo dục đại học thành viên.

 

Đại học Đà Nẵng – www.udn.vn