Sự kiện

Chuyển đổi số-hướng đi mới trong đào tạo của Đại học Đà Nẵng

Ngày đăng: Thứ hai, ngày 21 tháng 2 năm 2022, lần xem: 251

Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) xác định chuyển đổi số là động lực phát triển, hướng đi mới để nâng cao chất lượng đào tạo, từ đó đã triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị đại học.

Chuyển đổi số đang đi sâu vào từng ngành, từng lĩnh vực tạo ra cuộc cách mạng về năng suất lao động, văn hóa tổ chức và làm thay đổi thói quen, cuộc sống của mỗi người.

Không nằm ngoài dòng chảy đó, ĐHĐN xác định chuyển đổi số là động lực phát triển, hướng đi mới và đã triển khai chuyển đổi số trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học, quản trị đại học.

Chuyển đổi số vừa là động lực

phát triển, vừa là hướng đi mới

để nâng cao chất lượng đào tạo

(Ảnh trước dịch Covid-19)

Chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực

PGS.TS. Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐHĐN cho biết, trước nhu cầu nguồn nhân lực cho công cuộc chuyển đổi số, ĐHĐN đã nắm bắt và xây dựng các ngành học mới, đặc trưng như: Khoa học dữ liệu và AI, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện tử viễn thông (Trường ĐH Bách khoa-ĐHĐN); Thương mại điện tử, Khoa học dữ liệu và phân tích kinh doanh (Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN); Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số, Quản trị logistics và chuỗi cung ứng số (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật-ĐHĐN); Khoa học dữ liệu (Viện VNUK); E-Tourism (Viện DNIIT)...

Các trường thành viên của ĐHĐN tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo trong điều kiện mới. Đến nay phần lớn các môn học (đề cương, bài giảng) được biên soạn với nội dung có thể triển khai giảng dạy được cho cả trực tuyến (online) và trực tiếp (onsite). Một số môn học có thể tham khảo hoặc sử dụng nguồn học liệu, tài liệu từ các trường đại học tiên tiến trên thế giới.


Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN

thành lập Khoa Công nghệ số,

mở các ngành đào tạo mới 

(Ảnh trước dịch Covid-19)

Bên cạnh đó, ĐHĐN còn triển khai mô hình dạy học kết hợp (Blended learning); bước đầu xây dựng kho học liệu mở (MOOC) với hệ thống bài giảng, bài tập, tài liệu có tính tương tác cao; ứng dụng thực tế ảo tăng cường nhằm tạo môi trường học có tương tác, nâng cao trải nghiệm học tập cho người học; ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo.

Theo Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Quang Sơn, để nâng cao chất lượng giảng dạy, các trường thành viên của ĐHĐN thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ giảng viên có kỹ năng về công nghệ và phương pháp sư phạm để thực hiện chuyển đổi số, bao gồm phương pháp giảng dạy bằng phương thức vận hành các công cụ/môi trường số, cách thức biên soạn tài liệu số, xây dựng bài giảng tương tác, tổ chức các khóa huấn luyện giảng dạy với công nghệ, giảng dạy theo mô hình kết hợp (Blended), huấn luyện sử dụng công cụ và nền tảng số...


Các ngành đào tạo liên quan đến

chuyển đổi số được chú trọng, tăng cường

Cùng với công tác đào tạo nguồn nhân lực, ĐHĐN cũng đã đầu tư nghiên cứu các lĩnh vực liên quan chuyển đổi số. Phó Giám đốc ĐHĐN Lê Quang Sơn cũng chia sẻ, ĐHĐN hiện có 5 nhóm nghiên cứu đang hoạt động tích cực trong các lĩnh vực IoT, AI, Cloud Computing/Communications, Big Data. Hàng năm, các nhóm nghiên cứu liên quan chuyển đổi số đã triển khai khoảng 20 đề tài khoa học công nghệ các cấp liên quan đến chuyển đổi số, công bố hàng trăm công trình nghiên cứu trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới (WoS, Scopus)."

Các nhóm nghiên cứu đã tiến hành thu thập, tích lũy dữ liệu mẫu, dữ liệu thực nghiệm ở các lĩnh vực khác nhau để tạo bộ dữ liệu dùng chung; xây dựng các nền tảng kết nối để hình thành mạng lưới các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng giải quyết các vấn đề lớn.

Liên quan đến lĩnh vực quản trị giáo dục, ĐHĐN bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu giáo dục và đào tạo để nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý giáo dục và đào tạo như công tác báo cáo, thống kê, theo dõi, giám sát, cảnh báo, dự báo và thanh tra, kiểm tra; phát triển một số ứng dụng phục vụ công tác điều hành, quản trị như ứng dụng quản trị số-chữ ký số, văn phòng điện tử, thống kê dữ liệu phục vụ xếp hạng đại học, phục vụ xây dựng báo cáo, phục vụ công tác quản lý.


Tiên phong đào tạo các ngành công nghệ

mũi nhọn, cung cấp nhân lực chuyển đổi số 

(Ảnh trước dịch Covid-19)

Các trường thành viên bắt kịp xu thế chuyển đổi số

Trước xu thế chuyển đổi số ở nhiều ngành, lĩnh vực song nguồn nhân lực đào tạo hàng năm vẫn còn thiếu hụt, để nắm bắt cơ hội, các trường đại học thành viên của ĐHĐN đã thay đổi, thành lập thêm các ngành mới về chuyển đổi số, giúp sinh viên ra trường có việc làm và thu nhập cao.

Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn, ĐHĐN PGS.TS. Huỳnh Công Pháp cho biết, tại Đà Nẵng có khoảng 2.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực ICT, tăng trung bình 35%/năm; có 700 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, với khoảng 22.000 người làm trong trong lĩnh vực này. Doanh thu năm 2019 đạt 19.570 tỷ đồng. Nhu cầu tuyển dụng ICT mỗi năm trên 10.000 lao động, trong đó khoảng 5.000 lập trình viên.

Để thay đổi phù hợp với xu hướng phát triển chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho Đà Nẵng và khu vực miền Trung Tây Nguyên, Nhà trường đã tổ chức đào tạo một số ngành chuyển đổi số như Trí tuệ nhân tạo, Thiết kế mỹ thuật số, Công nghệ kỹ thuật máy tính và điện tử, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành số (e-Tourism), Quản trị logistics và chuỗi cung ứng số (e-logistics)... Nhà trường còn thành lập Viện Khoa học và Công nghệ số (eSTI) để nghiên cứu khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông minh và chuyển đổi số, đồng thời phát triển khởi nghiệp.


Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất 

phục vụ dạy-học trực tuyến 

Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN đã phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2025, tầm nhìn năm 2035, khẳng định việc thành lập các ngành mới để nâng cao năng lực, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số.

Theo PGS.TS. Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN, nắm bắt được xu thế của chuyển đổi số, lãnh đạo nhà trường đã chỉ đạo việc cải tiến, đổi mới chương trình đào tạo, các học phần đều được lồng ghép với tin học ứng dụng và kỹ thuật số, giúp người học có những kiến thức nền tảng về chuyển đổi số sau này.

Nhà trường cũng mới thành lập Khoa Công nghệ số, tận dụng sự phát triển của công nghệ thông tin và phối hợp với các khoa khác của Trường. Nhiệm vụ trọng tâm của Khoa Công nghệ số là đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ kỹ sư có trình độ chuyên môn cao, tăng cường hợp tác với doanh nghiệp, triển khai các dự án nghiên cứu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu cách mạng công nghiệp 4.0.


Ứng dụng công nghệ trong tư vấn 

tuyển sinh, hướng nghiệp trực tuyến

Định hướng chuyển đổi số

PGS.TS. Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc ĐHĐN nhấn mạnh, để nâng tầm và đi sâu hơn về chuyển đổi số, trong thời gian đến, ĐHĐN sẽ tập trung vào một số điểm chính. Đó là tăng cường chuyển đổi số để duy trì tính liên tục và thích ứng của hoạt động đào tạo trong điều kiện mới với sự sẵn có của công nghệ; mở rộng đối tượng người học, tiếp cận công nghệ cho người học; tiếp tục phát triển các ngành học mới, đột phá đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số; hoàn thiện mô hình dạy học kết hợp song song với việc mở rộng các mạng lưới hợp tác nhằm tăng cường cung cấp cơ hội cho người học tiếp cận với môi trường thực tế.

Mùa tuyển sinh 2022 của ĐHĐN

với nhiều chỉ tiêu, ngành đào tạo

liên quan đến chuyển sổi số

ĐHĐN tăng cường xây dựng đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học trong bối cảnh chuyển đổi số; xây dựng các điều kiện cho chuyển đổi số trong hoạt động nghiên cứu khoa học như xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung; tạo điều kiện để các công trình nghiên cứu được kết nối, thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kết quả, đồng kiểm nghiệm; cung cấp năng lực tính toán, hỗ trợ cho các thực nghiệm trên dữ liệu lớn.

ĐHĐN sẽ xây dựng các nền tảng kết nối để hình thành mạng lưới các nhà khoa học trong nước và quốc tế cùng giải quyết các vấn đề lớn, phát triển mạng lưới tư vấn khoa học; phối hợp với thành phố Đà Nẵng hình thành Trung tâm khởi nghiệp cấp quốc gia...

Đặc biệt, ĐHĐN đẩy mạnh phối hợp nhiều đơn vị để lan tỏa chuyển đổi số như tăng cường nhận thức xã hội về chuyển đổi số, đào tạo nhân lực và hỗ trợ nhân rộng mô hình chuyển đổi số cho các trường đại học, cao đẳng, phổ thông.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

(Theo Thông tấn xã Việt Nam)

CÁC TIN LIÊN QUAN

post
Tương lai nào cho con

Thứ hai, ngày 4 tháng 3 năm 2019