Kiểm định và đảm bảo chất lượng

Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng chính thức được tổ chức thi đánh giá 06 bậc năng lực ngoại ngữ Quốc gia

Ngày đăng: Thứ sáu, ngày 15 tháng 2 năm 2019, lần xem: 596

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa thông báo Trường Đại học (ĐH) Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng chính thức là một trong 04 cơ sở GD&ĐT đầu tiên của cả nước đủ điều kiện triển khai thi đánh giá năng lực ngoại ngữ Quốc gia theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT (TT 23).

 

Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng vinh dự nhận trọng trách

đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực 06 bậc Quốc gia

 

TT 23 của Bộ GD&ĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/11/2017 quy định Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc (KNLNN) dùng cho Việt Nam. Các cơ sở GD&ĐT trong cả nước được xây dựng Đề án tổ chức thi theo KNLNN nhưng chỉ có những đơn vị qua thẩm định chặt chẽ, đáp ứng được các yêu cầu đạt chuẩn mới được xác nhận đủ điều kiện được giao thực hiện trọng trách này. Đề án của cơ sở đào tạo được duyệt sẽ được công khai trên Cổng thông tin của Bộ GD&ĐT. Chứng chỉ do cơ sở đào tạo đủ điều kiện tổ chức thi cấp mới được công nhận đáp ứng theo Thông tư 23/2017/TT-BGDĐT.

 

Từ năm 2008, Bộ GD-ĐT ban hành quy định Chương trình giáo dục thường xuyên tiếng Anh theo KNLNN 06 bậc (thay thế chương trình tiếng Anh A, B, C). Năm 2014, Bộ tiếp tục ban hành KNLNN 06 bậc dùng cho Việt Nam (gồm 03 cấp và 06 bậc) và chỉ công nhận 10 đơn vị đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ rà soát năng lực tiếng Anh cho giáo viên (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng là một trong 10 đơn vị này). Tháng 9/2017, Bộ ban hành TT 23 về Quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo KNLNN 06 bậc dùng cho Việt Nam. Sau hơn 01 năm qua, qua quá trình thẩm định, Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng vinh dự là một trong top 04 trường đầu tiên của Việt Nam (cùng với các trường: Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP. Hồ Chí Minh và Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Huế) được phép tổ chức thi đánh giá KNLNN 06 bậc. Bộ GD&ĐT giao Cục Quản lý chất lượng chủ trì, Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ Quốc gia phối hợp trực tiếp kiểm tra, giám sát và hướng dẫn các trường thực hiện công tác tổ chức thi và cấp chứng chỉ theo đúng quy định. Các trường phải báo cáo kế hoạch tổ chức thi hàng năm, thời gian, địa điểm của từng đợt thi, tổ chức thi và cấp phát, quản lý chứng chỉ,  đánh giá kết quả (sau mỗi đợt thi) theo TT 23.

 

“Hệ thống bồi dưỡng năng lực Ngoại ngữ trực tuyến” theo Đề án Ngoại ngữ Quốc gia

vừa được triển khai tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng

 

KNLNN 06 bậc của Việt Nam được xây dựng, phát triển trên cơ sở khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR) và một số khung trình độ tiếng Anh ở các nước, xác định rõ yêu cầu về trình độ, năng lực (nghe, nói, đọc, viết) tương thích với tiêu chí 06 bậc do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ Châu Âu ban hành gồm: Sơ cấp (Bậc 1,2 tương thích với bậc A1, A2 theo CEFR); Trung cấp (Bậc 3,4 tương thích với bậc B1, B2 theo CEFR) và Cao cấp (Bậc 5,6 tương thích với bậc C1, C2 theo CEFR)

 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu phát triển năng lực ngoại ngữ để có “chìa khóa” mở ra nhiều cơ hội học tập, nghiên cứu, du học, việc làm…trong và ngoài nước ngày càng thực sự cấp thiết. KNLNN là căn cứ xây dựng chương trình, nội dung, phương pháp dạy, học và đánh giá để người có nhu cầu đạt được năng lực ngoại ngữ cần thiết theo chuẩn Quốc gia tương thích với trình độ quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hợp tác, trao đổi giáo dục, công nhận văn bằng, chứng chỉ với các quốc gia ứng dụng Khung tham chiếu chung Châu Âu (CEFR).

 

Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng là một trong 05 trường thành viên của ĐH Đà Nẵng - Đại học vùng, trọng điểm đầu tiên của cả nước có 100% trường ĐH thành viên kiểm định, đạt chất lượng giáo dục Quốc gia (từ tháng 10/2016). Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng hiện đang chủ trì Đề án Ngoại ngữ 2020, phối hợp với các trường thành viên khác đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên (không chuyên) của ĐH Đà Nẵng đạt bậc 3 theo KNLNN 06 bậc.Hiện ĐH Đà Nẵng đi đầu triển khai nhiều chương trình giảng dạy cho sinh viên hoàn toàn bằng tiếng Anh (Chương trình tiên tiến, chất lượng cao, liên kết nước ngoài và chương trình đại trà các ngành mũi nhọn…) để sẵn sàng nhân lực chất lượng cao hội nhập với thị trường lao động quốc tế theo các Hiệp định thương mại tự do trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Xem thêm trên Báo Thanh niên

Xem thêm trên Báo Giáo dục & Thời đại

Xem thêm trên Báo Lao động

Xem thêm trên Báo Đà Nẵng

Trung tâm Thông tin - Học liệu và Truyền thông ĐH Đà Nẵng