Lý do ĐHĐN được tin tưởng, lựa chọn

Đại học Đà Nẵng chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học

Ngày đăng: Thứ hai, ngày 27 tháng 2 năm 2023, lần xem: 456

Thời gian qua, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) của Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) được chú trọng đầu tư, không những đối với NCKH của cán bộ, giảng viên mà còn động viên, thúc đẩy để sinh viên (SV) tích cực hưởng ứng, tham gia các cuộc thi, giải thưởng sinh viên NCKH, qua đó thể hiện tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo. 


Hoạt động NCKH ngày càng thu hút SV tích cực hưởng ứng tham gia 

Nhiều đề tài xuất phát từ nhu cầu thực tiễn và có khả năng ứng dụng, khả thi cao. Nhiều ý tưởng, kết quả nghiên cứu nhất là của các đề tài được trao giải có chất lượng tốt, có tiềm năng ứng dụng trong thực tiễn sản xuất và đời sống, đóng góp phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội. 

Đối với ĐHĐN, trong giai đoạn khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các trường ĐH thành viên đã cho ra đời nhiều sản phẩm sáng tạo khoa học phục vụ hữu ích công tác phòng, chống Covid-19 như: Robot vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm trong bệnh viện; Robot sát khuẩn bằng tia UV; Máy đo thân nhiệt từ xa; Máy rửa tay sát khuẩn tự động; Xe chở bệnh nhân Covid-19...


Giám đốc ĐHĐN (thứ 2 từ phải sang) 
trao giải Nhất Giải thưởng SV NCKH ĐHĐN 

Năm 2022, các đề tài của SV ĐHĐN tham gia Cuộc thi SV NCKH thành phố Đà Nẵng đã đạt hầu hết giải thưởng cao (mời xem tin tại đây), có nhiều đột phá với những sản phẩm, kết quả nghiên cứu mang ý nghĩa thực tiễn.

Có thể kể đến một số đề tài điển hình của SV ĐHĐN thời gian qua như: Đề tài nghiên cứu tổng hợp các dẫn xuất mới chứa nhân 2-aminothiazole-3-ium và đánh giá hoạt tính kháng khuẩn, đóng góp kết quả cho y học trong tìm kiếm các dẫn xuất kháng khuẩn (nhóm tác giả Khoa Y-Dược ĐHĐN); Đề tài nghiên cứu bổ sung sự thiếu hụt tài liệu liên quan đến tính thẩm mỹ, thích dụng trong bối cảnh phát triển ngân hàng di động tại Việt Nam (nhóm tác giả Trường ĐH Kinh tế-ĐHĐN); Đề tài và sản phẩm nghiên cứu “Thiết bị hỗ trợ người bị run tay" (nhóm tác giả là các SV Bạch Ngọc Bích Đào và Võ Văn Hoàng, lớp 19C, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN) đã xuất sắc đạt giải Nhì Giải thưởng SV NCKH toàn quốc (Giải thưởng Euréka lần 24)…


Nhóm SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật-ĐHĐN nghiên cứu Thiết bị hỗ trợ người bị run tay

Điều đáng ghi nhận là các đề tài NCKH của SV đều đề xuất được các ý tưởng, giải pháp mới cùng với các sản phẩm thiết thực, mang tính ứng dụng cao. Theo SV Bạch Ngọc Bích Đào, NCKH trong lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ nhất là đối với đề tài nghiên cứu ứng dụng trên cơ thể người, hướng tới phục vụ nhu cầu chăm sóc điều trị bệnh nhân bị bệnh lý rung tay/chân như Parkinson sẽ giúp hỗ trợ quá trình phục hồi chức năng, điều trị thay vì chỉ phụ thuộc vào các chỉ định thuốc điều trị.

Đề tài đã được Trung tâm Y tế Quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng đánh giá cao về khả năng ứng dụng cho các bệnh nhân bị bệnh run tay. Nhờ có thiết bị sử dụng mô-men quán tính con quay hồi chuyển, hoạt động dựa trên nguyên tắc mô-men động lượng, các đĩa quay giống như bánh đà bên trong con quay hồi chuyển sẽ hấp thụ các lực nhiễu (run tay), do đó sẽ làm giảm đáng kể hiện tượng run tay. Kết quả thử nghiệm cho thấy mức độ run tay của bệnh nhân có thể giảm đến 70% và qua thời gian có thể cầm nắm được những vật nhỏ như điện thoại, bút.


Sản phẩm khoa học sáng tạo Thiết bị 
hỗ trợ người bị run tay được ứng dụng

đem lại hiệu quả bước đầu trong thực tế

Nhóm giảng viên ĐHĐN cùng cộng sự cũng vừa nghiên cứu, công bố kết quả thực nghiệm cải tiến, tối ưu hóa cấp phối loại bê-tông sợi quang xuyên sáng (đã có trên thế giới) tạo tiền đề cho việc ứng dụng rộng rãi. TS. Nguyễn Minh Hải chia sẻ, kết quả nghiên cứu thu được là đã phát triển được cấp phối bê-tông vừa có độ dẻo cao, vừa bảo đảm cấu trúc đặc chắc sau khi đóng rắn, vừa có tính bám dính cao với các sợi quang.


Các đề tài đề xuất các ý tưởng, giải pháp mới, 
có tính khả thi và tiềm năng ứng dụng thực tiễn

Điều này giúp phát triển bê-tông xuyên sáng cân bằng được việc bảo đảm cường độ cao (hơn 80Mpa) với mật độ bố trí sợi quang cao là 7,1% trong khi các nghiên cứu về loại vật liệu này hiện nay dừng ở mức cường độ 40-65Mpa khi mật độ sợi quang tối đa là 5%. Đây là tiền đề quan trọng để sản xuất các tấm bê-tông xuyên sáng mỏng hơn và sáng hơn sau này. Ngoài ra, một số kết quả về mức độ truyền sáng, quan sát cấu trúc,... cũng có thêm cơ sở dữ liệu để cho các nghiên cứu sau này, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết. 

SV thêm say mê nghiên cứu sáng tạo khi cơ sở vật chất được đầu tư như ở "Không gian sáng chế" của ĐHĐN 

Theo PGS.TS. Lê Quang Sơn-Phó Giám đốc ĐHĐN, hoạt động NCKH có ý nghĩa “sống còn” đối với bất cứ một trường ĐH nào, do đó ĐHĐN luôn quan tâm, chú trọng, thúc đẩy để nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn kết với sứ mệnh đổi mới sáng tạo và phục vụ cộng đồng. Đây cũng chính là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín, học hiệu của Nhà trường.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN 

(Theo Báo Nhân Dân)