Cựu sinh viên

Cựu sinh viên Trương Thanh Trà - hành trình từ sinh viên khoa tài chính đến chuyên gia phân tích chiến lược tại M-service, ví điện tử Momo

Ngày đăng: Thứ sáu, ngày 7 tháng 4 năm 2023, lần xem: 412

“Những bài học mình có được từ gia đình, DUE và các công ty mình từng làm việc đã nuôi dưỡng sự đam mê công việc, tạo động lực cho bản thân và thúc đẩy mình liên tục tiến lên phía trước, vượt qua những thách thức để mang lại nhiều giá trị cho xã hội.”

Từ một chàng lớp trưởng đầy nhiệt huyết, Trương Thanh Trà (cựu sinh viên lớp 40K16-CLC, Khoa Tài chính -  Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), sau khi tốt nghiệp đã trở thành một tấm gương sáng về động lực và ý chí theo đuổi ước mơ, giúp phát triển nền kinh tế số, cũng như ngành dịch vụ tài chính của Việt Nam. Cùng chúng tôi trò chuyện với Thanh Trà nhé.

Khoa Tài chính: Chào Trà, rất vui vì có cơ hội nói chuyện với bạn hôm nay. Bạn hãy chia sẻ một chút về công việc của mình hiện tại?

Thanh Trà: “Chào bạn, mình đang công tác tại Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động Trực tuyến mà mọi người thường hay gọi với cái tên dễ nhớ hơn là Ví Điện tử MoMo, trước đó mình làm ở Bộ phận Tư vấn Chiến lược của PwC Việt Nam.”

Khoa Tài chính: Ngay khi tốt nghiệp, Trà đã quyết định chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để làm việc. Trà có thể chia sẻ lý do giúp bạn Nam tiến không?

Thanh Trà: “Đó là kết quả của một quá trình cân nhắc kỹ lưỡng và là một trong những quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời mình. Lúc vừa mới tốt nghiệp, với khát khao của tuổi trẻ, mình quyết tâm bước ra ngoài vùng an toàn để dấn thân vào một môi trường năng động, có độ mở lớn nhưng cũng đầy thử thách. Sau khi tham khảo kinh nghiệm của các anh chị đi trước, mình mạnh dạn chia sẻ ước muốn vào TP. Hồ Chí Minh với ba mẹ. Lúc đó mình cũng chỉ nghĩ đi làm vài năm để trải nghiệm thôi. Nhưng càng làm việc và sinh sống ở đây, mình lại càng khao khát được học hỏi và khám phá thêm những điều mới mẻ từ mọi người xung quanh. Đến hiện tại mình cũng đã ở TP. Hồ Chí Minh sáu năm rồi và chắc là còn nhiều năm nữa. *cười lớn*”

Khoa Tài chính: Trà đã có được công việc đáng mơ ước ở Big 4 mà hầu như bạn sinh viên kinh tế nào cũng muốn một lần được trải nghiệm. Lý do nào thúc đẩy Trà rời Big 4 để làm việc ở MoMo?

Thanh Trà: “Thời gian làm việc ở PwC Việt Nam đã giúp mình mở rộng kiến thức về nhiều ngành nghề kinh doanh khác nhau. Vì đặc thù công việc làm theo dự án, mà dự án dài nhất cũng chỉ kéo dài 3 tháng, nên trong quá trình làm việc, mình đã có cơ hội tiếp cận hàng chục ngành kinh doanh khác nhau. Ngoài những ngành phổ biến như dịch vụ tài chính, bán lẻ; mình còn được phân tích nhiều ngành mới có tính hiện đại như sản xuất chip điện tử, xử lý rác thải, v.v. Đặc biệt, mình được học hỏi về cách tư duy, xử lý vấn đề và ra quyết định từ các anh chị đồng nghiệp. Sau 3 năm làm việc, với những kỹ năng và kiến thức có được, mình quyết định sẽ đi sâu vào một chuyên ngành mà mình thật sự tâm huyết và dành nhiều trăn trở, đó là ngành dịch vụ tài chính. Với mong muốn tìm hiểu sâu hơn về cách áp dụng công nghệ để giúp phát triển ngành dịch vụ tài chính ở Việt Nam, mình đầu quân về làm Phân tích Chiến lược ở MoMo - Ví điện tử lớn nhất tại Việt Nam hiện nay.”

Khoa Tài chính: Mình được biết Trà thường xuyên tổ chức những buổi nói chuyện với học sinh sinh viên về chủ đề tài chính cá nhân, Trà có thể giải thích vì sao không?

Thanh Trà: “Như đã nói, mình rất trăn trở về câu hỏi: “Làm thế nào để Việt Nam có thể phát triển ngành dịch vụ tài chính như các nước khác?” Nhờ những kiến thức được học từ thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp và năng lực bản thân, mình may mắn có được sức khỏe tài chính cá nhân khỏe mạnh. Tuy nhiên, mình biết rằng ngoài kia còn nhiều người vẫn rất khó khăn. Đặc biệt, tác động của đại dịch Covid đã khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh phải cầm cố tài sản, thậm chí vướng vào tín dụng đen với lãi suất “cắt cổ”. Mình cho rằng những buổi nói chuyện về chủ đề tài chính cá nhân là cách mình trao đi những giá trị và cống hiến cho sự phát triển của xã hội. Mình chọn bắt đầu từ nhóm học sinh sinh viên với những kiến thức đơn giản nhất như tiết kiệm, tăng thu giảm chi, được lồng ghép bằng các cách ứng dụng sản phẩm công nghệ thay vì những phương pháp truyền thống như “tiết kiệm bằng cách cất tiền dưới gối”. Cách tiếp cận như vậy sẽ giúp các bạn trẻ dễ dàng tiếp thu và tiếp tục lan tỏa tới những người xung quanh, như ba mẹ, người thân - qua đó sẽ tạo được tác động mạnh mẽ tới nhận thức và hành vi của cộng đồng.”

Khoa Tài chính: Trên trang cá nhân của mình, Trà chia sẻ khá nhiều về việc chạy bộ. Tại sao Trà lại thích môn thể thao này?

Thanh Trà: “Mình rất thích chạy bộ vì nó ít đòi hỏi kỹ thuật nhưng mang lại hiệu quả lớn. Sau quá trình luyện tập, mình nhận thấy chỉ có 3 kỹ thuật cần lưu ý khi chạy: chạy bước ngắn, tiếp đất bằng phần giữa bàn chân, và chạy nửa sau quãng đường nhanh hơn nửa đầu. Phần còn lại, đơn giản là sự bền bỉ – thứ mà mình có thể rèn luyện được. 

Mình rất thích cuốn “Born to Run” có kể về một bộ lạc săn bắt hươu nai không phải bằng cách chạy nhanh hơn chúng mà bằng cách đuổi theo cho đến lúc con thú gục xuống vì kiệt sức. Hôm trước lúc đang chạy bộ, mình tự nghĩ đôi khi mình chẳng cần phải nhanh hơn, chỉ cần luôn tiến lên phía trước, và không bao giờ dừng lại. Bài học được rút ra từ chạy bộ: Thiết lập mục tiêu và hành động bằng những bước đi nhỏ, đều đặn. Mình nghĩ đây không chỉ là bài học cho môn thể thao này mà còn cho công việc và cuộc sống nữa!”

Khoa Tài chính: Rất cảm ơn Thanh Trà vì buổi nói chuyện thú vị ngày hôm nay!

Tin từ Khoa Tài chính