Cựu sinh viên

Nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm-ĐHĐN chuyển giao sản phẩm khởi nghiệp Tảo xoắn Spirulina góp phần phát triển kinh tế địa phương

Ngày đăng: Thứ tư, ngày 1 tháng 3 năm 2023, lần xem: 330

Dự án công nghệ nuôi trồng Tảo xoắn Spirulina của Nhóm nghiên cứu Khoa Sinh-Môi trường, Trường Đại học (ĐH) Sư phạm-ĐH Đà Nẵng do TS. Trịnh Đăng Mậu cùng cộng sự là các sinh viên/cựu sinh viên của Khoa chuyển giao cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; Ra mắt các nhãn hàng từ Tảo xoắn như: Trà Tảo, Cốm Tảo, Viên nhộng Tảo-Vạn Tường.


Các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường 
thực phẩm bảo vệ sức khoẻ từ Tảo xoắn

Đây là các loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe chế biến từ Tảo xoắn Spirulina, một loại tảo dược xanh lam được nuôi trồng theo mô hình công nghệ cao góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương từ khai thác tài nguyên đất canh tác và nước sang sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên, đem lại giá trị cao.

Theo ông Đỗ Biên Nhất-Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường, đây là mô hình liên kết đầu tiên giữa nông dân và các nhà khoa học. “Chúng tôi đã khảo sát, chọn Tảo xoắn để phát triển mô hình nuôi trồng công nghệ cao. Vùng đất ngập nước ở thôn An Lộc, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn có tiềm năng với nguồn nước tự nhiên tinh khiết, từ địa hình đá ong và khí hậu thuận lợi với gần 120ha rừng dừa nước Cà Ninh từ bao đời nay”.


Gian trưng bày các sản phẩm Tảo xoắn của 
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường

tại Triển lãm tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: Đỗ Biên Nhất)

Nhờ sự gắn kết giữa Nhà nông-Nhà trường-Nhà doanh nghiệp (HTX) cùng với Nhà nước (thông qua chính quyền địa phương), tính bền vững và hiệu quả của Dự án sẽ được đảm bảo kể cả khi cần có sự thích ứng linh hoạt trước rủi ro của thị trường hay biến đổi khí hậu.

Vụ sản xuất không kéo dài mất nhiều thời gian, sau 25 ngày đã có vụ thu hoạch đầu tiên, tiếp đó sau 10 ngày đã có thể thu hoạch số Tảo xoắn tươi còn lại. Quy trình sản xuất sử dụng phương pháp lọc nước-thẩm thấu ngược để tái chế nước, trong khi nước trầm tích còn đem lại lợi ích cung cấp dinh dưỡng cho các trang trại hoặc vườn thủy sinh.


TS. Trịnh Đăng Mậu (bên trái) tại Phòng thí nghiệm Trường ĐH Sư phạm-ĐHĐN

Hưởng ứng Chương trình Quốc gia OCOP “mỗi xã một sản phẩm” để phát triển kinh tế nông thôn từ nội lực, đem lại giá trị bằng phát huy lợi thế chuỗi giá trị sản phẩm, dịch vụ và ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo, các sản phẩm từ Tảo xoắn đang trở thành thương hiệu trong chuỗi sản xuất du lịch sinh thái của địa phương.

“Chúng tôi lựa chọn hợp tác với các nhà khoa học của Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng vì chất lượng và độ tin cậy của công nghệ nuôi trồng Tảo xoắn với nguồn gen được nghiên cứu, đảm bảo cung cấp”, ông Đỗ Biên Nhất chia sẻ.


Mẫu Tảo xoắn sản xuất  tại HTX Nông nghiệp công nghệ cao Vạn Tường

huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi 

Các sản phẩm từ Tảo xoắn đa dạng, thu hút và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng như: Trà thảo mộc, bánh quy, thạch và viên nhộng. Nhờ sản xuất trên dây chuyền công nghệ tái chế nước và không hóa chất, sản phẩm được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn như một nhu cầu chăm sóc sức khỏe, đưa vào thị trường thông qua các kênh thương mại điện tử và mạng lưới phân phối. 

“Nuôi trồng, phát triển chuỗi cung ứng sản phẩm Tảo xoắn Spirulina là một lựa chọn theo hướng bền vững không những đối với kinh tế Bình Sơn mà còn là phương thức góp phần bảo vệ môi trường nhờ quy trình nuôi trồng có thể hấp thụ carbon, thải ra nguồn dinh dưỡng cho các trang trại nuôi tôm, cá, đồng thời tạo thêm lượng kháng sinh tự nhiên cho các loài sinh vật”, TS. Trịnh Đăng Mậu, Trưởng Phòng thí nghiệm, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết.


Tiềm năng địa phương có rừng dừa nước Cà Ninh để phát triển Tảo xoắn trở thành lựa chọn 

bền vững đem lại lợi ích kinh tế và môi trường

“Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng sẽ tiếp tục đồng hành, tư vấn và đảm bảo kỹ thuật nuôi cấy mô và gen để cung cấp nguồn tảo sạch cho Dự án và sẽ tiếp tục hợp tác phát triển mở rộng phạm vi, địa bàn trong thời gian đến”.

Trước đó, Dự án nuôi trồng Tảo xoắn Spirulina của Nhóm nghiên cứu Trường ĐH Sư phạm-ĐH Đà Nẵng là Dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiên phong được chọn ươm tạo thành công tại Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (mời xem thêm tin tại đây). 

Lan tỏa tinh thần đổi mới sáng tạo khởi nghiệp phục vụ cộng đồng 

Với mô hình hợp tác nghiên cứu, sản xuất-thương mại gắn kết với một địa phương của tỉnh Quảng Ngãi, Tỉnh đã phê duyệt Dự án Nuôi trồng Tảo xoắn của HTX Vạn Tường, huyện Bình Sơn là Dự án đầu tiên để phát triển nuôi trồng công nghệ cao trong thời gian đến.

Huyện Bình Sơn cũng đã dành nguồn quỹ (khoảng 17.400 USD) để hỗ trợ phát triển danh mục 08 sản phẩm, trong đó nổi bật có các sản phẩm Tảo xoắn thuộc Chương trình OCOP địa phương.

Trung tâm TT-HL và Truyền thông ĐHĐN

(Theo Báo Vietnamnews)