KHCN và sáng tạo của sinh viên

Nhóm SV Bách khoa Đà Nẵng sáng chế “găng tay vàng” cho người tai biến, đột quỵ

Ngày đăng: Thứ năm, ngày 2 tháng 3 năm 2023, lần xem: 428

Sau một thời gian nghiên cứu, chế tạo, mới đây nhóm sinh viên AnNam của Trường Đại học Bách Khoa – Đại học Đà Nẵng đã “trình làng” sản phẩm găng tay phục hồi chức năng ứng dụng Robot mềm hoàn chỉnh.

Đây là sản phẩm công nghệ được đánh giá cao bởi những ứng dụng độc đáo trong thực tế và từng đạt giải Nhất cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, giải Nhì cuộc thi sinh viên khởi nghiệp công nghệ năm 2022 Đại học Đà Nẵng.

Thấu hiểu nỗi khổ của bệnh nhân tai biến

Chia sẻ về quá trình chế tạo sản phẩm, bạn Lê Nhất Chính (nhóm trưởng) cho biết, từ giữa năm 2021, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhiều bệnh nhân đột quỵ trong thời gian này gặp khó khăn đối với việc điều trị, phục hồi chức năng tại bệnh viện.

Nhóm SV Bách khoa Đà Nẵng sáng chế “găng tay vàng” cho người tai biến, đột quỵ ảnh 1

Các sinh viên trong nhóm AnNam chế tạo găng tay phục hồi chức năng dành cho người bị đột quỵ. Ảnh: AnNam

“Qua khảo sát tại các bệnh viện, nhóm bệnh nhân đột quỵ trong thời gian dịch bệnh gặp rất nhiều trở ngại khi tập luyện để sớm trở lại cuộc sống.

Trong khi theo chỉ định của các bác sĩ, 6 tháng đầu sau đột quỵ là thời gian vàng luyện tập phục hồi, sau thời gian này nếu bỏ lỡ, gần 100% bệnh nhân liệt vĩnh viễn. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân bị tai biến, bị các di chứng của covid-19 cũng rất khó phục hồi tay.


Xem sinh viên trình diễn những sáng chế khoa học công nghệ độc đáo

Chính điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc của họ. Nhiều người phải chọn cách bỏ nghề vì tay run không thể tiếp tục làm công việc như: phẫu thuật đối với bác sĩ hay gõ máy tính đối với các kỹ sư công nghệ”, Chính cho biết.

Từ những dữ liệu thu thập được, Chính và các bạn quyết định phải chế tạo ra một sản phẩm có thể giúp những bệnh nhân sớm phục hồi chức năng đôi bàn tay trở lại.

“Sắp xếp các dữ liệu, cả nhóm bắt đầu chế tạo chiếc găng tay hỗ trợ phục hồi chức năng. Đây là sản phẩm ứng dụng bộ truyền động đàn hồi mềm.

Theo đó, các ngón tay mềm được chế tạo từ vật liệu silicon bằng phương pháp đúc, khuôn chế tạo bằng công nghệ in 3D FDM, nhựa PLA dựa trên kỹ thuật PneuNet tích hợp vào găng tay vải thông thường.

Nó được thiết kế thành thiết bị đeo tay giúp người có nhu cầu phục hồi chức năng luyện tập co, duỗi các ngón tay. Khi tập, các đầu ngón tay có thể chạm đến lòng bàn tay để kích thích xúc giác, giúp người sử dụng sớm phục hồi chức năng, cảm giác.

Ngoài ra, sản phẩm còn có thiết bị điều khiển cho người dùng tuỳ chọn chế độ với 3 bài tập cơ bản được tích hợp sẵn. Để đảm bảo an toàn, các linh kiện điện tử được thiết kế lắp đặt tách biệt với người sử dụng”, bạn Đào Duy Anh (thành viên nhóm chế tạo) chia sẻ.

Tham vọng thương mại hóa sản phẩm

Cầm trên tay chiếc “găng tay vàng” dành cho bệnh nhân đột quỵ, tai biến, bạn Nguyễn Thị Hiền (thành viên nhóm) nói thêm, để cho ra đời một sản phẩm hoàn thiện như hôm nay thì cả nhóm đã phải trải qua một chặng đường gian khó, với nhiều thử nghiệm thất bại.

Nhóm SV Bách khoa Đà Nẵng sáng chế “găng tay vàng” cho người tai biến, đột quỵ ảnh 3

Găng tay phục hồi chức năng đã giành được nhiều giải cao trong các cuộc thi về khoa học kỹ thuật. Ảnh: AN

“Phiên bản đời đầu của chiếc găng tay này cũng khá sơ khai chỉ có chức năng co. Nhưng tại các bệnh viện, nhu cầu tập duỗi các ngón tay của bệnh nhân còn quan trọng hơn chức năng co nên nhóm mất thêm khoảng 2 tuần để điều chỉnh thiết kế.

Trong đó, khoang không khí được thay đổi từ hình vuông sang tam giác. Từ đó phát triển lên phiên bản 2.0 và đưa vào thử nghiệm tại Bệnh viện Đà Nẵng”, Hiền cho hay.


Những sáng chế của sinh viên lọt vào tầm ngắm của doanh nghiệp

Cũng theo Hiền, khi sản phẩm được các kỹ thuật viên điều trị áp dụng cho bệnh nhân đã cho kết quả khả quan. Những ngón tay mềm đáp ứng được 60% yêu cầu đối với bài tập co, 90% đối với bài tập duỗi. Sản phẩm được các kỹ thuật viên đánh giá đáp ứng được nhu cầu tự tập luyện cơ bản của bệnh nhân.

Với những thành công bước đầu, Chính cùng nhóm bạn trong đội AnNam ấp ủ tham vọng thương mại hóa sản phẩm, để “găng tay vàng” mang thương hiệu của sinh viên Trường Đại học Bách khoa - Đại học Đà Nẵng đến với từng bệnh nhân.

“Chi phí chế tạo sản phẩm trong giai đoạn đầu này rơi vào khoảng 4,5-5 triệu đồng, thấp hơn các sản phẩm nhập ngoại tương tự trên thị trường. Nhưng nếu so sánh thì găng tay phục hồi chức năng của nhóm có nhiều tính năng nổi bật hơn như: chức năng phục hồi động tác duỗi, dễ bảo trì, chi phí sửa chữa thấp...", Chính cho biết.

Bằng những tính năng độc đáo và liên tục được cải tiến, đổi mới, nhóm của Chính kỳ vọng sẽ sớm đưa sản phẩm này ra thị trường, giúp cho các bệnh nhân có thêm phương tiện, thiết bị để tập luyện, phục hồi sức khỏe.